Khủng hoảng chồng chất tại Syria

14:41 - Thứ Hai, 13/02/2023 Lượt xem: 5820 In bài viết

Trận động đất mà Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hứng chịu ngày 6-2 vừa qua được đánh giá là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong thời đại hiện nay. Với Syria, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định, người dân nước này đang phải đối mặt với “ác mộng chồng lên ác mộng”, trong khi Chương trình Lương thực thế giới (WFP) mô tả là “thảm họa chồng lên thảm họa”...

Lực lượng cứu hộ giải cứu các nạn nhân mắc kẹt trong trận động đất tại Syria.

Ước tính số người thiệt mạng trong thảm họa động đất kinh hoàng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới hơn 33.000 người; số người bị thương là hơn 85.000 người. Hiện, các lực lượng cứu hộ đang chạy đua hết sức mình để tìm kiếm những người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Tuy nhiên, thời tiết lạnh giá dưới 0 độ C và những cơn bão tuyết khắc nghiệt của mùa đông khiến công tác cứu hộ gặp nhiều trở ngại. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người sống sót sau trận động đất có thể phải đối mặt với “thảm họa thứ phát” khi giá lạnh và băng tuyết dẫn đến “tình trạng tồi tệ và khủng khiếp” vì không có nơi trú ẩn.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã gửi trang thiết bị cứu hộ, nhân sự và hàng hóa viện trợ tới những nơi gặp thiệt hại nặng nề do động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Trong khi viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra tương đối dễ dàng thì với Syria lại khác. Cuộc xung đột kéo dài trong nhiều năm và khủng hoảng nhân đạo đang là những rào cản khiến công tác hỗ trợ những người sống sót sau động đất ở Syria gặp nhiều khó khăn. Nhiều khu vực bị động đất tàn phá nặng nề nhất ở quốc gia này đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực trong hơn một thập kỷ. Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Syria El-Mostafa Benlamlih cho biết, số người cần được hỗ trợ nhân đạo tại Syria trước khi xảy ra động đất là 15,3 triệu người, nhưng bây giờ con số này cần được đánh giá lại. Riêng tại thành phố Aleppo, 100.000 người được cho là đã bị mất nơi ở, trong đó 30.000 người đang trú tạm tại các trường học và nhà thờ.

Ngày 10-2 vừa qua, đoàn xe viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc gồm 14 xe tải chở lò sưởi điện, lều, chăn và các vật dụng khác đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đã đến khu vực Tây Bắc Syria. Số hàng viện trợ này đủ cung cấp cho khoảng 1.100 hộ gia đình ở tỉnh Idlib phải di dời chỗ ở do ảnh hưởng của trận động đất. Đây là chuyến hàng viện trợ thứ hai của Liên hợp quốc được chuyển tới Syria sau khi đoàn xe đầu tiên gồm 6 xe tải cung cấp hàng viện trợ nhân đạo cho khoảng 5.000 người đến khu vực này vào hôm 9-2. Dù các nỗ lực giải cứu vẫn tiếp tục nhưng cơ hội tìm thấy những người sống sót đang giảm đi nhanh chóng. Theo Trăng lưỡi liềm đỏ Ả rập Syria, Syria cần máy móc hạng nặng, xe cứu thương và xe cứu hỏa để tiếp tục các hoạt động cứu hộ và dọn dẹp đống đổ nát. Hiện mới chỉ có 30-40 xe cứu thương đang ứng phó với thảm họa ở Syria.

Ngoài ra, ngày 11-2 (giờ địa phương), có 37 tấn vật tư y tế khẩn cấp - chuyến hàng tiếp tế đầu tiên của WHO, đã được đưa đến Syria (giờ địa phương). Trao đổi với các phóng viên tại sân bay Aleppo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết, trong ngày 12-2, thêm 30 tấn vật tư y tế nữa sẽ đến Syria; đồng thời khẳng định WHO sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ và vật tư y tế khẩn cấp để cứu chữa cho các nạn nhân bị thương trong trận động đất.

Mặc dù mức độ xung đột ở Syria vào năm 2022 thấp hơn so với thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến, nhưng giao tranh vẫn leo thang kể từ cuối năm 2021. Cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Lebanon cũng như các cú sốc kinh tế khu vực và toàn cầu đã làm giảm giá trị của đồng bảng Syria. Điều này dẫn đến tăng chi phí thực phẩm, phá hủy hệ thống y tế của Syria, vốn đang bị căng thẳng do dịch tả bùng phát. Syria đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng khiến 90% dân số nước này phải sống dưới mức nghèo khổ...

Nhiều năm xung đột và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang gây ra nhiều thách thức hơn trong việc giúp đỡ những người sống sót ở Syria sau trận động đất, nơi viện trợ quốc tế đến rất chậm. Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ước tính, ở Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn công việc phục hồi sẽ được thực hiện trong vòng 2-3 năm, nhưng ở Syria phải mất 5-10 năm.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top