EU chia rẽ về chính sách ngoại giao khí hậu: Cuộc tranh luận chưa hồi kết

09:04 - Thứ Năm, 23/02/2023 Lượt xem: 5767 In bài viết

Do những bất đồng ngày càng sâu sắc về vai trò của năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi xanh nên các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) không thông qua được kết luận về chính sách ngoại giao khí hậu. Trong thời gian tới, đây sẽ là vấn đề cần được EU dành nhiều thời gian để giải quyết.

Năng lượng hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia châu Âu.

Văn kiện về chính sách ngoại giao khí hậu có mục tiêu chính là đề ra những ưu tiên hành động về khí hậu trong chính sách đối ngoại chung của EU và cần phải hoàn thiện trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra vào tháng 11-2023. Theo các quan chức EU, tới nay các nước trong khối đã nhất trí phần lớn nội dung, trong đó có cả việc sẽ ủng hộ một cam kết toàn cầu nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trước hội nghị nói trên của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khúc mắc chưa thể tháo gỡ.

Vướng mắc lớn nhất lúc này là ở chỗ, các nước vẫn tranh luận về việc sản xuất nhiên liệu hydro từ năng lượng hạt nhân hay năng lượng tái tạo. Trong chuỗi cung ứng năng lượng tương lai, nhiên liệu hydro được xem là cơ chế tích trữ trung gian, là loại hình lưu trữ năng lượng từ điện gió hay năng lượng mặt trời, dễ dàng vận chuyển và chỉ cần phản ứng với ô xy để sản xuất điện khi cần. Tuy nhiên, phương thức sản xuất hydro đang là rào cản lớn của các cuộc đàm phán về các mục tiêu mới của EU liên quan năng lượng tái tạo.

Một số quan chức EU còn bày tỏ lo ngại, nếu không được giải quyết sớm, những mâu thuẫn trên có thể ảnh hưởng tới các chính sách năng lượng xanh khác và làm trì hoãn việc thông qua các luật cần thiết để đáp ứng mục tiêu khí hậu của khối. Phát biểu về vấn đề này, Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell thừa nhận, hiện vẫn còn một số trở ngại, nhưng cũng bày tỏ hy vọng các nước sẽ sớm tìm ra tiếng nói chung trong chính sách khí hậu.

Theo giới quan sát, những bất đồng phát sinh là do tình hình bức tranh năng lượng thực tế mỗi quốc gia châu Âu đang có nhiều khác biệt. Đơn cử, Pháp hiện có tới 70% nguồn điện sản xuất từ năng lượng hạt nhân. Do đó, nước này cùng với Hungary hay Czech mong muốn thúc đẩy năng lượng hạt nhân và muốn việc sản xuất nhiên liệu hydro dựa trên hạt nhân sẽ được tính vào các mục tiêu về năng lượng tái tạo của EU.

Trong khi đó, Đức - quốc gia đang loại bỏ dần các lò phản ứng hạt nhân, cùng với Tây Ban Nha lại cho rằng không nên đặt năng lượng hạt nhân ngang hàng với các nguồn năng lượng tái tạo. Hai nước này cho rằng, việc thúc đẩy năng lượng hạt nhân vào lúc này có thể làm suy giảm những nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo. Không khó để nhận ra rằng, việc toàn khối quyết định ủng hộ loại hình sản xuất nào, sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh tế ở mỗi nước thành viên. Nhiều ý kiến phân tích cũng chỉ ra, ở các quốc gia châu Âu giàu có và nền kinh tế phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch, quá trình chuyển đổi xanh có thể dẫn đến tình trạng bất ổn trong nước.

Trong khi đó, “xanh hóa” hạ tầng năng lượng là tiến trình không có đường lùi đối với châu Âu, nhất là khi cuộc xung đột tại Ukraine đã phơi bày nhiều điểm yếu về an ninh năng lượng và sự lệ thuộc vào nguồn cung bên ngoài của khối này. EU đặt mục tiêu đến năm 2030 là giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Về dài hạn, khối này mong muốn đạt được sự trung hòa về khí hậu vào năm 2050. Tiến trình này là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của EU trong tham vọng trở thành lãnh đạo toàn cầu về các vấn đề khí hậu.

Trong bối cảnh như vậy, giờ chính là lúc các nước châu Âu cần thể hiện đoàn kết, ý chí và hành động trong một khối thống nhất, ủng hộ cái chung, mở lối cho các nỗ lực phát triển xanh, bền vững.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top