Hệ lụy kinh tế từ biến đổi khí hậu

09:05 - Thứ Ba, 28/03/2023 Lượt xem: 6291 In bài viết

Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu có thể khiến Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu, thiệt hại tới 900 tỷ euro vào giữa thế kỷ này. Trong bối cảnh lạm phát cao dai dẳng cản trở đà phục hồi kinh tế, các nước châu Âu còn phải loay hoay tìm cách bù đắp những thiệt hại nặng nề mà biến đổi khí hậu gây ra.

Nhà cửa bị phá hủy trong trận lũ lụt ở Đức. (Ảnh REUTERS)

Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), biến đổi khí hậu khiến Liên minh châu Âu (EU) tổn thất về kinh tế đến hơn 145 tỷ euro trong thập kỷ qua. Trong đó, mức thiệt hại cao nhất được ghi nhận vào năm 2017 khi lên tới 27,9 tỷ euro, do các đợt nắng nóng gây hạn hán và cháy rừng trên diện rộng. Theo một nghiên cứu mới đây, nền kinh tế Đức phải đối mặt với mức tổn thất 900 tỷ euro vào giữa thế kỷ này.

Các chuyên gia đưa ra con số nêu trên dựa trên cơ sở tính toán từ việc thất thu sản lượng nông nghiệp, mức độ thiệt hại, hư tổn của các tòa nhà, cơ sở hạ tầng do mưa lớn và lũ lụt, sự sụt giảm hoạt động vận chuyển hàng hóa và những tác động đối với hệ thống y tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hoàn toàn có thể giảm từ 60% đến 80% mức độ thiệt hại thông qua các biện pháp thích ứng, như thu giữ và lưu trữ carbon nếu biến đổi khí hậu chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ.

Năm 2022, khắp nơi trên toàn thế giới phải vật lộn với những hình thái thời tiết cực đoan, trong đó nổi bật là tình trạng nắng nóng và hạn hán ở châu Âu kéo theo cháy rừng, gây thiệt hại cho mùa màng. Coldiretti, nghiệp đoàn nông nghiệp của Italia cho biết, những hình thái thời tiết bất thường đã gây tổn thất lên tới 6 tỷ euro cho ngành nông nghiệp nước này.

Sản lượng dầu olive của Italia giảm 30%, các chế phẩm từ cà chua giảm 10%, lúa mì để chế biến mì giảm 5%. Tây Ban Nha cũng trải qua một năm 2022 khô hạn, với lượng mưa ở mức thấp thứ ba trong lịch sử nước này, sau các năm 2005 và 2017. Thành phố Barcelona của Tây Ban Nha đã phải áp dụng các biện pháp như cấm sử dụng nước sạch để rửa nhà, xe hoặc bơm vào bể bơi; giảm lượng nước sử dụng cho tưới tiêu...

Nhiều quốc gia châu Âu được cảnh báo tiếp tục đối mặt với hạn hán nghiêm trọng vào năm 2023, sau một mùa đông ít mưa và tuyết. Hội đồng Nghiên cứu quốc gia (CNR) của Italia nhận định, lượng mưa ở miền bắc Italia đã giảm 40% trong năm 2022 và việc không có mưa kể từ đầu năm 2023 là một vấn đề nghiêm trọng. Pháp cũng đứng trước nguy cơ khủng hoảng nước. Mực nước các hồ thủy điện tại Pháp được ghi nhận đang ở mức thấp so với năm 2022, mức thấp thứ hai trong vòng 10 năm qua.

Trong khi các nỗ lực cắt giảm khí thải chưa đạt kết quả như mong muốn thì cuộc khủng hoảng năng lượng, xảy ra một phần do tình hình căng thẳng ở Ukraine, càng khiến lộ trình chuyển đổi xanh của các nước thêm trắc trở. Một số nước phải quay lại thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thạch nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cấp bách.

Đáng nói là, các nước EU vẫn đang có những quan điểm bất đồng về sử dụng năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi xanh. Pháp, Italia... muốn EU tăng cường chính sách thúc đẩy năng lượng hạt nhân để cắt giảm khí thải. Trong khi đó, một số nước như Đức, Luxembourg cho rằng việc tập trung vào năng lượng hạt nhân có thể làm suy giảm những nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top