Kinh tế Nga: Thích ứng linh hoạt với lệnh trừng phạt

09:13 - Thứ Ba, 11/04/2023 Lượt xem: 5641 In bài viết

Ngân hàng Thế giới (WB) đã thay đổi dự báo về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2023. Theo đó, GDP của Mátxcơva chỉ giảm 0,2% thay vì mức giảm 3,3% như dự báo vào tháng 1-2023. Bộ Phát triển kinh tế Nga nhận định, dự báo GDP của Nga chỉ giảm nhẹ trong năm 2023 là do nền kinh tế nước này ngày càng thích ứng linh hoạt, chịu đựng được áp lực trừng phạt chưa từng có của phương Tây.

Nền kinh tế Nga vẫn ổn định trước các lệnh áp đặt trừng phạt của phương Tây.

Nền kinh tế Nga đã suy giảm 2,1% trong năm 2022, nhẹ hơn đáng kể so với mức suy giảm 3,5% mà WB dự báo. Điều này đã cải thiện nền tảng kinh tế của Nga trong năm 2023. Hơn nữa, tổ chức này dự báo rằng, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,2% vào năm 2024 và 0,8% vào năm 2025.

Cuối tháng 1-2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã cải thiện dự báo về GDP của Nga. Theo đó, GDP của nước này sẽ tăng 0,3% vào năm 2023 thay vì mức giảm 2,3% như dự báo vào tháng 10-2022.

Trên thực tế, sau khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine tháng 2-2022, nền kinh tế của xứ sở Bạch dương đã vượt qua các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây tốt hơn nhiều so với dự đoán. Khả năng phục hồi rõ ràng của nền kinh tế Nga chủ yếu là do giá dầu và khí đốt tăng cao vào năm 2022, bù đắp cho sự sụt giảm khoảng 25% khối lượng xuất khẩu khí đốt.

Là một trong những đối tác thương mại chính của Nga, từ năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng giảm 55% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Mátxcơva. Để khắc phục thâm hụt, Nga đã chuyển sang những đối tác mới, đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, việc cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn khí Power of Siberia đã tăng 48%.

Nguồn doanh thu đó cùng với sự sụt giảm trong nhập khẩu do các lệnh trừng phạt đã đẩy nước này vào tình trạng thặng dư thương mại kỷ lục - nghĩa là những gì Nga kiếm được từ việc bán hàng cho các quốc gia khác vượt xa các giao dịch mua ở nước ngoài. Lợi ích này đã giúp củng cố đồng rúp và cung cấp cho chi tiêu của chính phủ.

Khi cuộc xung đột tại Ukraine bước sang năm thứ hai, ngành công nghiệp nặng cũng góp phần vào hoạt động kinh tế. "Ngành luyện kim đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về sản lượng. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một số nhánh của tổ hợp công nghiệp - quân sự đã thành công trong việc thích nghi" - David Teurtrie, giảng viên cao cấp về khoa học chính trị tại Học viện Công giáo Vendée ở miền Tây nước Pháp cho biết. Một thế mạnh khác của nền kinh tế Nga là ngành nông nghiệp. Dự kiến vào tháng 6 năm nay, Nga có thể đưa tổng sản lượng xuất khẩu ngũ cốc lên 55-60 triệu tấn.

Mọi lĩnh vực của nền kinh tế Nga như khí đốt, dầu mỏ, tài chính, thương mại, công nghệ... đều bị ảnh hưởng bởi các đợt trừng phạt liên tiếp của phương Tây. Tuy nhiên, sau một năm áp dụng các biện pháp hạn chế sâu rộng, đời sống của người dân Nga vẫn không khác mấy so với trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine. Không có tình trạng thất nghiệp hàng loạt, tiền tệ lao dốc. Các mặt hàng tại siêu thị ít biến động...

Theo các nhà kinh tế, với việc thắt chặt lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ - nguồn thu nhập chính của Điện Kremlin, kinh tế Nga những tháng tới sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng một số nhận định khác tin rằng, Điện Kremlin có lượng lớn tiền mặt dự trữ nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt. Bên cạnh đó, mối liên kết với các đối tác thương mại mới ở châu Á đã được hình thành.

Mátxcơva vẫn có nhiều cách để đẩy lùi các lệnh trừng phạt. Dự trữ tài chính khổng lồ và nợ tương đối thấp mang lại cho Nga khả năng vay mượn đáng kể. Trong khi đó, Bộ Phát triển kinh tế Nga nhấn mạnh: “Nhiệm vụ chiến lược của nền kinh tế Nga là không chỉ thích ứng với các điều kiện hiện tại, mà còn phải có những bước phát triển mới, vươn lên những tầm cao mới”.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top