Kinh tế Afghanistan: Ảm đạm triển vọng phục hồi

09:34 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 5467 In bài viết

Mặc dù có một số cải thiện trong các chỉ số kinh tế vào năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng của Afghanistan vẫn ở dưới mức cần thiết để xóa bỏ đói nghèo. Nghiên cứu “Triển vọng kinh tế - xã hội Afghanistan 2023” được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố mới đây cảnh báo rằng, triển vọng phục hồi của quốc gia Tây Nam Á này vẫn ảm đạm nếu việc giáo dục của trẻ em gái và việc làm của phụ nữ không được bảo đảm.

Chính quyền Taliban đã đóng cửa hầu hết các trường trung học dành cho nữ sinh tại Afghanistan.

Nghiên cứu nêu rõ sản lượng kinh tế của Afghanistan đã giảm 20,7% sau khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021. Cú sốc chưa từng có này đã khiến Afghanistan nằm trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Theo đại diện UNDP thường trú tại Afghanistan Abdallah Al Dardari, dòng viện trợ nước ngoài bền vững, lên tới 3,7 tỷ USD vào năm 2022, trong đó Liên hợp quốc đóng góp 3,2 tỷ USD đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ hoàn toàn của Afghanistan. Hỗ trợ của Liên hợp quốc đã trực tiếp tiếp cận 26,1 triệu người Afghanistan, đồng thời giúp ổn định tỷ giá hối đoái, kiềm chế lạm phát và tác động đến các chỉ số kinh tế khác.

Báo cáo mới dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 ở Afghanistan có thể tăng 1,3% nếu mức viện trợ nước ngoài vẫn ở mức 3,7 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi kinh tế vẫn còn yếu, đặc biệt nếu viện trợ nước ngoài bị rút lại do các chính sách hạn chế của Taliban. Bà Kanni Wignaraja, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNDP cảnh báo: “Sẽ không có sự phục hồi bền vững nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ Afghanistan trong nền kinh tế và đời sống công cộng, bao gồm việc thực hiện các dự án nhân đạo và tiết kiệm sinh kế”.

Kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan năm 2021, lực lượng này đã thắt chặt kiểm soát đối với việc phụ nữ tiếp cận đời sống công cộng, bao gồm việc cấm phụ nữ học đại học và đóng cửa hầu hết các trường trung học dành cho nữ sinh. Theo UNESCO, hiện nay, 80% trẻ em gái Afghanistan (2,5 triệu người) ở độ tuổi đi học không được đến trường. Quyết định của Taliban về việc đóng cửa các trường học dành cho nữ sinh đã đảo ngược những thành tựu đáng kể về giáo dục nữ giới trong 20 năm qua. Đến tháng 12-2022, chính quyền Taliban đã ngăn cản hầu hết nữ nhân viên làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, khiến các nỗ lực viện trợ càng trở nên khó khăn...

Ngày 4-4 vừa qua, Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, cho biết chính quyền Taliban đã ban hành lệnh cấm phụ nữ làm việc cho phái bộ của Liên hợp quốc ở nước này. Đây là một đòn giáng mạnh vào những nỗ lực cung cấp viện trợ cho quốc gia đang trải qua "cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới". Nghiên cứu của UNDP cho thấy, số người Afghanistan sống trong cảnh nghèo đói đã tăng vọt từ 19 triệu vào năm 2020 lên 34 triệu trong năm 2022. “Nếu viện trợ nước ngoài giảm trong năm nay, Afghanistan có thể rơi xuống vực thẳm”, ông Al Dardari nhấn mạnh.

Trên thực tế, việc Taliban ngày càng hạn chế quyền tự do của phụ nữ, cụ thể là loại trừ phụ nữ khỏi nền kinh tế, đã dẫn đến thiệt hại ước tính 1 tỷ USD cho Afghanistan. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ghi nhận do bị hạn chế đối với công việc, tỷ lệ việc làm của phụ nữ giảm 25% vào cuối năm 2022. Ngoài ra, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng, gần 42% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế yếu kém và các hạn chế, buộc phải tạm thời đóng cửa, tất cả đều góp phần làm giảm GDP của Afghanistan.

Các sắc lệnh của Taliban đã cô lập tổ chức này trên phạm vi toàn cầu, góp phần làm suy giảm nền kinh tế Afghanistan, gây ra tình trạng thất nghiệp, nghèo đói lan rộng. Ngoài ra còn có những cơn gió ngược phát sinh từ các yếu tố địa chính trị bất lợi và khó khăn kinh tế ở các nước láng giềng, có thể lan sang Afghanistan, nguy cơ đẩy nước này rơi xuống đáy của thang nghèo đói toàn cầu.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top