Tổng Thư ký OPEC cảnh báo yếu tố gây bất ổn thị trường dầu mỏ

14:42 - Thứ Ba, 23/05/2023 Lượt xem: 4297 In bài viết

Ngày 22/5, Tổng Thư ký Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais cảnh báo, việc thiếu đầu tư vào lĩnh vực dầu khí có thể gây bất ổn thị trường trong dài hạn và cản trở tăng trưởng.

Tổng Thư ký Tổ chức Các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais tại Hội nghị và Triển lãm Dầu khí Quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) ngày 31/10/2022. (Ảnh: Reuters)

Nhận định trên được ông Haitham Al Ghais đưa ra tại Hội nghị dầu mỏ và khí đốt Trung Đông diễn ra ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Ông Al Ghais cũng cho rằng thế giới cần tập trung cắt giảm phát thải khí nhà kính hơn là thay thế một hình thức năng lượng này bằng một hình thức năng lượng khác, đồng thời nhấn mạnh cần có các khoản đầu tư lớn trong tất cả các lĩnh vực năng lượng.  

OPEC ước tính thế giới cần 12.100 tỷ USD đầu tư để đáp ứng nhu cầu dầu gia tăng trong dài hạn.

Cũng tại hội nghị, ông Fereidun Fesharaki, Chủ tịch công ty tư vấn FGE Consultancy cho rằng, với tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào khoảng 8 triệu thùng/ngày, thế giới có thể đối mặt với vấn đề nguồn cung trong bối cảnh các biên pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu của Nga làm giảm tăng trưởng sản lượng.

Theo ông, Nga có thể duy trì sản lượng dầu ở mức từ 10-11 triệu thùng/ngày, tuy nhiên nếu các biện pháp trừng phạt tiếp tục có hiệu lực, việc tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng/ngày trong tương lai là không thể thực hiện được.

Ông Fesharaki cho biết, OPEC đang chuyển sự tập trung vào khai thác tài nguyên dầu trước khi nhu cầu đạt đỉnh. OPEC muốn giữ giá dầu trên mức 80 USD/thùng và sẵn sàng bán với giá hơn 100 USD/thùng nếu thị trường thiếu nguồn cung.

Trước đó, tại cuộc họp chính sách tại thủ đô Vienna (Áo) hồi tháng 10/2022, Các Bộ trưởng Năng lượng OPEC cùng đối tác, còn gọi là OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày (tương đương khoảng 2% nhu cầu thế giới), bắt đầu từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu. Việc các nhà sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trên thế giới giảm 2 triệu thùng/ngày đánh dấu mức cắt giảm sản lượng lớn nhất kể từ tháng 4/2020 của tổ chức này.

Sau đó, hồi tháng 4 vừa qua, trong một động thái được đánh giá là đầy bất ngờ, một loạt các quốc gia thành viên của OPEC+ đã tuyên bố tự nguyện gia hạn cắt giảm thêm sản lượng dầu khí cho tới cuối năm 2023, nhằm phòng ngừa những bất ổn trên thị trường.

Theo đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, nước này sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu khí thêm 500.000 thùng/ngày từ mức sản xuất trung bình vào tháng 2 cho tới cuối năm 2023. Tuyên bố này đánh dấu lần thứ 2 Nga tuyên bố gia hạn chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ, với lần đầu tiên được Phó Thủ tướng Novak công bố hồi tháng 2/2023.

Tuyên bố của Nga đưa ra sau khi một loạt các quốc gia thành viên của OPEC+ bao gồm Ả rập Xê út, Kuwait, Oman, Iraq, UAE và Algeria cũng đưa ra tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng cho tới cuối năm.

Bộ Năng lượng Ả rập Xê út tuyên bố nước này sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 cho đến hết năm 2023. Bộ này khẳng định, quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô này được đưa ra để phối hợp với động thái từ các nước xuất khẩu dầu mỏ khác, và số lượng cắt giảm nêu trên nằm ngoài số lượng cắt giảm đã được thỏa thuận trong phiên họp ngày 22/10 năm ngoái của OPEC+.

Cùng ngày, Chính phủ các nước UAE, Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt công bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày kể từ tháng 5 đến hết năm 2023.

Các nước thành viên OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục nhóm họp tại Vienna vào ngày 4/6 tới đây để quyết định đường lối chính sách tiếp theo.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top