“Thấp thỏm” Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

08:35 - Thứ Tư, 12/07/2023 Lượt xem: 4280 In bài viết

Chỉ còn 5 ngày nữa, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, một trong những thỏa thuận quan trọng góp phần xuất khẩu nông sản từ Nga và Ukraine ra thế giới, sẽ hết hạn (dự kiến là ngày 17-7).

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy, Mátxcơva không mấy “mặn mà” trong việc gia hạn văn bản này. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, nếu thỏa thuận này không được gia hạn, việc giá lương thực tăng mạnh lần nữa sẽ khiến hàng chục triệu người rơi vào tình trạng đói kém.

Một tàu chở ngũ cốc theo thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen di chuyển qua eo biển Bosphorus (Thổ Nhĩ Kỳ).

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đứng ra làm trung gian nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Trong khuôn khổ sáng kiến, Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới; trong khi Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen.

Ngay sau khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được gia hạn vào ngày 18-5 vừa qua, Nga đã nhiều lần thể hiện quan điểm không hài lòng với động thái của các bên trong việc triển khai những thỏa thuận mà Mátxcơva đưa ra.

Theo đó, Nga cho rằng thỏa thuận được ký kết từ tháng 7-2022 do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc làm trung gian này đã không được thực hiện một cách thỏa đáng.

Theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Liên hợp quốc đã không tìm cách có tác động gây ảnh hưởng cần thiết đối với các nước phương Tây nhằm thực hiện điều khoản liên quan đến Nga trong thỏa thuận, bao gồm cả việc loại bỏ những gì được cho là trở ngại đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Bởi vậy, Mátxcơva cảm thấy không có cơ sở phù hợp nào để có thể gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn cho biết ông đang cân nhắc khả năng rút khỏi thỏa thuận nếu những rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của nước này không được khắc phục.

Trên thực tế, việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga không bị hạn chế theo các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Song, Điện Kremlin cho rằng, những hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm đã cản trở hoạt động vận chuyển hàng hóa của Nga.

Hồi đầu tháng 6-2023, Nga cho biết, một nhóm phá hoại đến từ Ukraine đã làm nổ tung đoạn đường ống mà nước này sử dụng để xuất khẩu amoniac - một thành phần chính để sản xuất phân bón. Việc nối lại xuất khẩu amoniac của Nga thông qua đường ống đặt tại Ukraine này là một trong những điều kiện để Mátxcơva tiếp tục duy trì thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc.

Hiện tại, triển vọng đàm phán xung quanh vấn đề này không mấy khả quan. Cuộc thảo luận giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được xem là hy vọng duy nhất. Tuy nhiên, khúc mắc gần đây giữa 2 nước về việc Thổ Nhĩ Kỳ thả tù binh Ukraine sẽ khiến kế hoạch của cuộc tiếp xúc trở nên khó khăn. Sự việc này liên quan tới các chỉ huy Tiểu đoàn Azov của Ukraine, vốn đầu hàng Nga sau khi thành phố Mariupol bị bao vây.

Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào tháng 9-2022, bên cạnh những binh sĩ được trả tự do, các chỉ huy Tiểu đoàn Azov phải ở lại lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi chiến sự kết thúc. Tuy nhiên, những chỉ huy này đã được phóng thích sau cuộc hội đàm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ở Istanbul hôm 7-7. Nga chỉ trích quyết định phóng thích này, cho rằng Ankara đã vi phạm các điều khoản trao đổi tù nhân.

Theo thống kê của WFP và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), khoảng 60 triệu người hiện đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tại 7 quốc gia Đông Phi.

Trong khi đó, số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng chỉ ra rằng, 23 triệu người tại Ethiopia, Kenya và Somalia vẫn phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ cao.

Việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và ưu tiên các điểm xuất khẩu có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo đảm rằng giá lương thực toàn cầu không làm tăng thêm khả năng bị tổn thương của những người dân ở những khu vực này...

Trước khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký kết vào tháng 7-2022, khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine đã bị mắc kẹt trong các kho chứa và không thể xuất khẩu, khiến đẩy giá lương thực trên toàn cầu tăng vọt...

Nếu các bên liên quan không đạt được thỏa thuận tiếp tục gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, thế giới sẽ đứng trước một tình huống nghiêm trọng khi “bóng ma” lạm phát giá lương thực quay trở lại cùng những biến động khó lường của thị trường toàn cầu.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top