Bình yên trên những bản Mông (bài 2)

09:44 - Thứ Năm, 29/02/2024 Lượt xem: 11262 In bài viết

Bài 1: Xóa “vùng lõm” về an ninh trật tự

Bài 2: Những người “lĩnh ấn” tiên phong

ĐBP - Từ điểm sáng Lai Khoang, đến nay toàn huyện Nậm Pồ đã có 21 “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh trật tự (ANTT)” trên địa bàn 13/15 xã của huyện. Xuyên suốt hành trình ấy là sự cống hiến, hy sinh và tinh thần gương mẫu, tận tụy của những điển hình được xem như “ngọn lửa” truyền thêm niềm tin, dẫn dắt người dân vững tin theo Đảng, Nhà nước, xây dựng thôn bản vùng có đạo đoàn kết, bình yên, phát triển.

Mở “cánh cửa” lòng dân vùng đạo

Ngay sau khi Kế hoạch về xây dựng mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” được ban hành, điều kiện đầu tiên và cũng là nhiệm vụ được Công an huyện Nậm Pồ đặc biệt quan tâm đó chính là sự đồng tình, ủng hộ của các điểm nhóm theo tôn giáo. Theo đó, một cuộc vận động cá biệt với sự tham gia của các lực lượng từ công an huyện, xã đến chính quyền địa phương nơi có điểm nhóm tôn giáo nhanh chóng được triển khai.

Theo Thượng tá Trần Ích Chính, Phó trưởng Công an huyện Nậm Pồ thì việc làm sao để nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các điểm nhóm chính là điều kiện tiên quyết khi triển khai mô hình. Xác định điều đó, Công an huyện Nậm Pồ đã giao Đội Xây dựng Phong trào bảo vệ ANTQ, Đội An ninh xây dựng quy chế hoạt động của Tổ tự quản điểm nhóm; khảo sát tình hình địa bàn dự kiến xây dựng mô hình. Đồng thời, phối hợp với chính quyền các xã, trước hết là thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với thành viên cốt cán các điểm nhóm để họ hiểu rằng, tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị là bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của bản thân, gia đình và thôn, bản. Tiếp đó, thông qua các thành viên này để vận động các tín đồ hiểu được ý nghĩa, lợi ích khi xây dựng mô hình và cùng đồng lòng thực hiện.

Cán bộ Công an xã Nà Hỳ gặp gỡ, trao đổi với anh Giàng A Pao - Mục sư điểm nhóm, Tổ trưởng Tổ tự quản về ANTT bản Sam Lang.

Tham gia xây dựng mô hình từ những ngày đầu, Đại úy Khoàng Văn Duy, Phó trưởng Công an xã Nậm Chua khi ấy đang là Đội phó Đội Xây dựng Phong trào bảo vệ ANTQ chẳng thể nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu cuộc gặp gỡ, tuyên truyền, vận động. “Có những điểm nhóm, đa phần các tín đồ không biết tiếng phổ thông, chúng tôi phải nhờ Ban Quản lý bản cùng đi tuyên truyền. Mùa mưa, nhiều đợt tuyên truyền kéo vài ngày, vì có những bản ở cách trung tâm huyện hơn 70km lại chủ yếu là đường đất, các hộ ở rải rác, rồi có người ở nhà, người trên nương. Hay có lần đi tuyên truyền, dù chọn đúng ngày sinh hoạt của điểm nhóm nhưng lại vắng nhiều tín đồ, chúng tôi phải đến 2, 3 lần mới gặp được” - Duy chia sẻ.

Chưa hết, những ngày đầu nhận nhiệm vụ, làm thế nào để dân nghe, dân tin, dân ủng hộ là trăn trở lớn nhất của Duy và những người làm công tác tuyên truyền khi đó. Có đêm Duy thức trắng chỉ để tìm đọc, nghiên cứu những cách làm hay, hiệu quả trong công tác tuyên truyền.

Anh Cháng A Dung, bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ gương sáng về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Lo lắng của Duy không phải là không có căn cứ, bởi ở những vùng đồng bào Mông có đạo trên địa bàn huyện, có nơi còn tồn tại tập tục, hủ tục không phù hợp với đời sống mới. Điều này là một trong những rào cản khi triển khai mô hình. Cũng bởi vậy, để người dân tin và làm theo, đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền phải hiểu được phong tục tập quán, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con vùng có đạo. “Đơn cử khi chúng tôi đi vận động các điểm nhóm thực hiện theo các tiêu chí đã đăng ký khi tham gia mô hình, trong đó có tiêu chí về không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Qua khảo sát tình hình thực tế, nếu áp luôn tiêu chí này để các điểm nhóm thực hiện sẽ rất khó bởi không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Để phù hợp hơn, chúng tôi đã tham mưu sửa lại tiêu chí thành 100% các tín đồ được tuyên truyền, phổ biến về hậu quả, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Các tiêu chí được xây dựng phù hợp và dễ thực hiện nên hầu hết các tín đồ đều đồng thuận tham gia” - Duy bộc bạch.

Từ bài học thực tiễn “mưa dầm thấm lâu”, những câu chuyện trên nương, những buổi cùng lao động sản xuất, những lời tuyên truyền, giải thích của cán bộ công an đã được đồng bào vùng có đạo lắng nghe, tin tưởng. Trên khắp các vùng có đạo ở huyện Nậm Pồ, các điểm nhóm tích cực tham gia mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về an ninh, trật tự”.

Khi “lực lượng tại chỗ” phát huy vai trò cầu nối

Sáng chủ nhật hàng tuần, những tín đồ Nhóm Liên hữu tin lành Báp Tít Việt Nam ở bản Sam Lang, xã Nà Hỳ lại cùng nhau đến nhà sinh hoạt cộng đồng. Không chỉ nghe giảng về kinh thánh, giáo lý, giáo luật, khoảng gần 3 năm trở lại đây, trên 600 lượt tín đồ ở bản còn được anh Giàng A Pao - Mục sư điểm nhóm, Tổ trưởng Tổ tự quản về ANTT tuyên truyền, vận động các tín đồ tham gia bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu; tích cực bảo tồn, phát huy các giá trị, truyền thống văn hóa, đạo đức, nếp sống tốt đẹp của dân tộc...

Với mong muốn điểm nhóm do mình đứng đầu hoạt động theo đúng quy định pháp luật về tôn giáo, nên sau khi nghe tuyên truyền về mô hình “Điểm nhóm tôn giáo tự quản về ANTT” anh Pao đã tổ chức họp lấy ý kiến Ban Chấp sự. Nhận được sự đồng thuận của các thành viên, anh Pao đã lên xin ý kiến UBND xã và được Công an xã Nà Hỳ hướng dẫn các bước thành lập Tổ tự quản về ANTT. Cuối năm 2021, Tổ tự quản về ANTT thuộc điểm nhóm Liên hữu tin lành Báp Tít Việt Nam bản Sam Lang được thành lập với sự tham gia của 7 thành viên đều là các thành viên cốt cán của điểm nhóm.

Anh Giàng A Pao chia sẻ: Từ khi thành lập Tổ tự quản đến nay, tôi thấy tình hình ANTT tại bản đảm bảo hơn. Trên địa bàn không còn tín đồ nào tin, nghe theo các luận điệu tuyên truyền, lôi kéo theo tà đạo, đạo lạ hay tuyên truyền thành lập “Nhà nước ly khai, tự trị”; các tín đồ tích cực trồng cây gây rừng, tham gia phòng, chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Trong đó, xóa bỏ hủ tục tang ma được coi là điểm sáng lớn nhất trong bài trừ hủ tục ở Sam Lang. Nếu trước kia người chết thường được các gia đình để trong nhà cúng tế từ 5 - 7 ngày, thì giờ đây người chết đã được đưa vào quan tài và rút ngắn thời gian cúng tế xuống không quá 24 giờ. Có những trường hợp chết vì bệnh tật thời gian cúng tế sẽ rút ngắn hơn nữa.

Lực lượng công an gần gũi, động viên nhân dân phát triển kinh tế.

Gánh hai vai vừa là Bí thư Chi bộ bản vừa là Ủy viên Ban Chấp sự điểm nhóm Tin lành Phìn Hồ, cũng bởi vậy anh Cháng A Dung lại càng hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình để làm sao vẹn toàn việc đời, việc đạo.

Bản Phìn Hồ nằm cách trung tâm xã Phìn Hồ hơn 8km, với 174 hộ, trong đó 170 hộ theo tôn giáo. Cả bản hiện vẫn còn gần 70% hộ nghèo, bởi vậy, với vai trò là người đứng đầu, thì một trong những nhiệm vụ tiên quyết chính là khơi dậy quyết tâm thoát nghèo của các hộ dân trong bản. Để người dân và tín đồ tin tưởng, theo anh Dung, vai trò chỉ đạo không phải là đến “chỉ tay” để người khác làm mà là “xắn tay” để mọi người cùng làm theo mình. Nghĩ là làm, năm 2022, anh Dung đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi mỗi lứa hơn 100 con gà xương đen và hơn 10 con lợn thương phẩm, trung bình một năm nuôi 2 lứa. Ngay năm đầu tiên mô hình chăn nuôi gà, lợn đã cho gia đình anh Dung khoản lãi gần 40 triệu đồng.

Người dân vùng có đạo tuyên truyền, tự bảo nhau tránh xa tệ nạn ma túy.

Không chỉ tiên phong phát triển kinh tế, anh Dung còn là thành viên có nhiều hoạt động tích cực của Tổ tự quản về ANTT. Gần đây nhất là việc kịp thời tham gia hòa giải tranh chấp nguồn nước sản xuất giữa hai hộ ông Sùng A Giàng và Sùng A Páo, cũng là hai tín đồ trong điểm nhóm. Cách nói chuyện gần gũi, thân tình, cùng hướng giải quyết thấu tình đạt lý, anh Dung đã nhanh chóng hòa giải thành công, tạo được sự tin tưởng của người dân và tín đồ trong bản.

Ở những bản có đạo như Sam Lang, Phìn Hồ dẫu vẫn còn nhiều khó khăn đặc thù của một bản vùng cao Tây Bắc, nhưng người dân đang không ngừng nỗ lực vươn lên sống “tốt đời, đẹp đạo”. Phát huy vai trò “lực lượng tại chỗ”, những người như anh Pao, anh Dung đã đem “ánh sáng văn hoá” của Đảng đến với đồng bào, vận động bà con phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc mình, kết hợp hài hoà giữa luật tục và pháp luật, giữa truyền thống và hiện đại, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Bài 3: Lòng dân thuận, mô hình lan tỏa

Bài, ảnh: Sầm Phúc - Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top