Tập trung nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

06:59 - Thứ Tư, 06/07/2022 Lượt xem: 2988 In bài viết

ĐBP - Năm 2021 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đạt 61,86 điểm, giảm 7 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 53 toàn quốc; không đạt mục tiêu, kỳ vọng đề ra. Với quyết tâm đưa Điện Biên vào danh sách các điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, tỉnh ta đã tổ chức hội nghị đánh giá, phân tích sâu về các chỉ số thành phần, xác định nguyên nhân những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp đồng bộ để nâng cao chỉ số PCI năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.

Nâng cao chỉ số PCI để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Người dân thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) chăm sóc cây ăn quả.

Qua phân tích, đánh giá 142 chỉ tiêu thuộc 10 tiêu chí thành phần trong bộ chỉ số PCI năm 2021, tỉnh ta có 58 chỉ tiêu có số điểm bằng hoặc cao hơn và 84 chỉ tiêu có số điểm thấp hơn mức trung vị cả nước. Có thể thấy, cuộc cạnh tranh xếp hạng các chỉ số PCI giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước ngày càng mạnh mẽ. Do đó, để cải thiện điểm số, xếp hạng PCI của tỉnh cần sự chung tay của các cấp, ngành, đơn vị bằng hiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Trong đó cần tập trung hơn nữa các chỉ tiêu, chỉ số có xu hướng tích cực; cải thiện điểm số ở những chỉ tiêu, chỉ số thấp hoặc bị giảm điểm. Đặc biệt chú trọng đến những chỉ số giảm mạnh về điểm số và chỉ số có trọng số cao, trung bình. Nhất là những chỉ số như: Chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.

Để nâng cao chỉ số PCI, các sở ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư. Xây dựng chính quyền điện tử, tăng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm giảm số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như đăng ký thành lập doanh nghiệp, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, tiếp cận nguồn vốn… Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện công khai, minh bạch và công bố rộng rãi, đầy đủ, kịp thời thông tin trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương về quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp; kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực; các cơ chế, chính sách và các quy trình giải quyết công việc... để doanh nghiệp tra cứu và tìm hiểu thông tin, từ đó tạo thuận lợi tối đa khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Đặc biệt là cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chủ động cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin và hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư về cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trên địa bàn.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu là giải pháp cơ bản, quan trọng trong nâng cao chỉ số PCI của tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các ngành, các cấp phải năng động, tiên phong trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; tăng cường trao đổi, gặp gỡ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Bên cạnh đó, có giải pháp nâng cao trình độ, cải thiện thái độ phục vụ, cách ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND tỉnh giao nhiệm vụ nâng cao số điểm, xếp hạng của 4/10 chỉ số thành phần PCI, gồm: Chỉ số gia nhập thị trường; cạnh tranh bình đẳng; chi phí thời gian; tính năng động và tiên phong của chính quyền. Sở đang tiến hành đánh giá, phân tích sâu từng chỉ tiêu của 4 tiêu chí trên để khắc phục hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch và đề xuất các giải pháp để nâng cao số điểm, thứ hạng của các chỉ số. Đơn cử như chỉ số gia nhập thị trường, năm 2021 mặc dù tăng 4 bậc nhưng vẫn nằm trong tốp các tỉnh thuộc nửa cuối bảng xếp hạng của cả nước. Nguyên nhân là do năm 2021 tiêu chí này có sự thay đổi các chỉ tiêu đánh giá, trong đó giữ lại 9 chỉ tiêu cũ và bổ sung 10 chỉ tiêu mới. Trong các chỉ tiêu cũ phần lớn đều tăng điểm và xếp hạng. Tuy nhiên, chỉ tiêu doanh nghiệp phải chờ hơn 3 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động lại giảm mạnh, ảnh hưởng đến kết quả chung của cả chỉ số. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu mới bổ sung đều liên quan đến lĩnh vực cấp phép kinh doanh có điều kiện. Đây là lĩnh vực mới nên còn gặp nhiều khó khăn về cấp phép. Trên cơ sở nhận diện được những hạn chế, Sở đã đề ra các giải pháp để cải thiện chỉ số, như: Công khai minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính cần thiết tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ, trang thông tin điện tử của sở; tiếp tục hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đang triển khai các dự án trên địa bàn.

Với quyết tâm đưa Điện Biên trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, năm 2022 tỉnh ta quyết tâm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI với mục tiêu vươn lên trong tốp 30 tỉnh/thành phố trong bảng xếp hạng PCI. Trong đó: phấn đấu có ít nhất 3 chỉ số ưu tiên cải thiện mạnh mẽ, vượt bậc, vươn lên trong tốp 15 (tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự); 3 chỉ số trong tốp 30 (tính năng động; hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động); 4 chỉ số còn lại phấn đấu cải thiện điểm số và nâng hạng so với năm 2021.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top