Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

07:01 - Thứ Tư, 06/07/2022 Lượt xem: 2498 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là đàn gia súc diễn biến phức tạp. Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục tái phát tại một số địa phương; cùng với đó bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xuất hiện... gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi của tỉnh. Để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, các ngành chức năng, chính quyền địa phương chú trọng triển khai các giải pháp phòng dịch bệnh, nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Lực lượng chức năng kiểm tra tình hình dịch bệnh và tốc độ sinh trưởng đàn vật nuôi trên địa bàn xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông).

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6/2022, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 206 hộ chăn nuôi ở 102 thôn bản của 28 xã thuộc 6 huyện và thành phố, buộc tiêu huỷ 924 con lợn, trọng lượng 56.817kg (tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021). Cùng với đó, bệnh tụ huyết trùng xảy ra tại 32 xã làm 93 con trâu, bò và 19 con lợn mắc bệnh, trong đó 75 con trâu bò, 18 con lợn bị chết; một số bệnh khác như: Dịch tả lợn cổ điển, newcastle, ký sinh trùng... xảy ra nhỏ lẻ tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ở diện nhỏ hẹp, đều được phát hiện, xử lý kịp thời.

Để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn và UBND cấp xã triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; trong đó tập trung vào bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục. Cùng với đó cử cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn người chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuyên truyền cách bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Hướng dẫn các chủ nuôi thường xuyên tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi; thường xuyên theo dõi đàn gia súc, gia cầm, nếu có triệu chứng bệnh phải báo ngay cho chính quyền và cơ quan thú y để kiểm tra, xử lý. Một trong những giải pháp quan trọng khác là làm tốt công tác tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Toàn tỉnh đã triển khai tiêm phòng với 1.755.750 liều vắc xin phòng 4 bệnh gồm: Nhiệt thán, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả lợn và cúm gia cầm. Hiện tại có 9/10 huyện, thị xã, thành phố đang triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo nuôi bằng nguồn kinh phí xã hội hóa với tổng số vắc xin dại đã tiêm là 16.988 liều. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật được thực hiện chặt chẽ. Trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất tỉnh được hơn 5.100 con lợn, bò, vịt, dúi và 7.604kg sản phẩm động vật (thịt trâu, bò khô). Đồng thời kiểm tra, giám sát động vật nhập tỉnh được 121 con lợn; trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện trực tiếp kiểm soát giết mổ được 16.488 con lợn và 1.101 con trâu, bò.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh được kiểm soát. Trong 6 tháng đầu năm, tổng đàn gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn tỉnh ước đạt 534.276 con, đạt 99,01% kế hoạch và đàn gia cầm ước đạt hơn 4,6 triệu con, tăng 2,59% với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu của  tỉnh phấn đấu tốc độ tăng đàn gia súc là 1,57% và đàn gia cầm tăng 1,3%. Để đạt được mục tiêu này, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng đối với các ổ dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, cúm gia cầm, bệnh dại và nhất là tập trung khống chế kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm giảm thiểu thiệt hại đối sản xuất chăn nuôi. Cùng với đó, tăng cường đôn đốc, kiểm tra hoạt động phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng bệnh, phun phòng, giám sát dịch bệnh; tạo điều kiện hỗ trợ triển khai các dự án phát triển chăn nuôi tập trung; tăng cường quản lý thuốc thú y, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn người chăn nuôi làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, chuồng trại chăn nuôi đề phòng nguy cơ tái phát dịch và các bệnh dịch phát sinh mới.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top