Tiến độ giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA chậm

06:50 - Thứ Hai, 08/08/2022 Lượt xem: 14493 In bài viết

ĐBP - Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), vốn vay nước ngoài (ODA) nói riêng đã được tỉnh triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, góp phần phục hồi kinh tế trên địa bàn sau dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay do nhiều nguyên nhân đã làm tiến độ giải ngân vốn chậm.

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng và Thương mại Tùng Lâm thi công dự án san ủi mặt bằng trung tâm huyện Nậm Pồ.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 3.231 tỷ đồng. Trong đó vốn các chương trình MTQG (gồm 3 chương trình: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Giảm nghèo bền vững; Nông thôn mới) gần 1.152 tỷ đồng và vốn nước ngoài là hơn 84,5 tỷ đồng; còn lại là vốn ngân sách địa phương, vốn trong nước. Ngay sau khi nhận được kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã thực hiện giao chi tiết vốn cho các sở, ban, ngành và các huyện. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt và thường xuyên đôn đốc các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, chủ đầu tư triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, tiến độ và giải ngân nguồn vốn. Điều này đã giúp các đơn vị, địa phương chủ động lập kế hoạch triển khai thực hiện. Ngoài ra, tỉnh đã nỗ lực hoàn thiện thủ tục về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Mặc dù kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm của cả tỉnh đạt 30,63% so với kế hoạch vốn giao (đạt khá so với bình quân chung của cả nước) nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Đặc biệt, nguồn vốn các chương trình MTQG và vốn ODA chưa thực hiện giải ngân.

Nguyên nhân giải ngân vốn các chương trình MTQG đến hết 6 tháng đầu năm chưa giải ngân được do Chính phủ thực hiện giao vốn muộn (cuối tháng 5/2022); cùng với đó hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan chủ quản chương trình còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác lập, giao kế hoạch của tỉnh. Vì vậy đến cuối tháng 6, HĐND tỉnh mới thông qua kế hoạch vốn 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, riêng năm 2022 Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 478 tỷ đồng; Chương trình Nông thôn mới gần 187,5 tỷ đồng và Chương trình Giảm nghèo hơn 486,7 tỷ đồng. Việc phân bổ vốn chậm dẫn đến các địa phương chưa thực hiện được công tác đầu tư xây dựng và giải ngân, thanh toán vốn.

Đối với nguồn vốn ODA, mặc dù đã được tỉnh phân bổ chi tiết 84,52 tỷ đồng, gồm: Hơn 77,3 tỷ đồng cho 1 dự án hoàn thành trong năm nay; 3,5 tỷ đồng cho 1 dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2022 và bố trí hơn 3,6 tỷ đồng cho 1 dự án khởi công mới trong năm. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn này chưa được Trung ương chuyển nguồn cho địa phương.

Tương tự, dự án Quản lý đa thiên tai lưu vực sông Nậm Rốm nhằm bảo vệ dân sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục để chi trả Bộ Tài chính phí thẩm cứu, phí quản lý cho vay lại và phí cam kết trước đợt giải ngân đầu tiên của khoản vay theo hợp đồng vay lại giữa địa phương và Bộ Tài chính.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn kế hoạch, theo ông Đinh Bảo Dũng, Giám đốc Sở Tài chính, đối với các chương trình MTQG, các sở, ngành, địa phương, ban quản lý dự án cần tập trung hoàn thiện các thủ tục phân bổ vốn. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện lồng ghép vốn; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ, phân cấp quản lý vốn đầu tư; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án thành phần sau khi được phân bổ vốn năm 2022, tập trung thi công, giải ngân vốn giao. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA khởi công mới, để đạt được mục tiêu đến hết tháng 9/2022 tỷ lệ giải ngân đạt 70% kế hoạch, cần khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư và thành phần hồ sơ theo quy định, kịp thời gửi các bộ, ngành Trung ương quản lý trực tiếp các chương trình, dự án thẩm định. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để sớm chuyển vốn cho địa phương giải ngân kế hoạch vốn đã giao năm 2022. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, nhất là vốn ODA. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn của các đơn vị, địa phương và các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top