Trồng rừng thay thế cần đảm bảo hiệu quả

08:39 - Thứ Sáu, 18/11/2022 Lượt xem: 4617 In bài viết

ĐBP - Trồng rừng thay thế bằng nguồn kinh phí thu từ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng năm nay tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh. Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển đổi rừng sang mục đích khác có thể được xem là sự bổ sung, bù đắp kịp thời cho diện tích rừng bị mất do chuyển đổi mục đích, bảo đảm giữ ổn định môi trường sinh thái, duy trì diện tích và độ che phủ rừng.

Diện tích rừng trồng thay thế ở Tuần Giáo được người dân nhận giao khoán chăm sóc, bảo vệ.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, trên địa bàn bàn tỉnh có 6 dự án (Hạ tầng Nhà máy xử lý rác thải và công trình Nhà máy xử lý rác thải huyện Tuần Giáo; hồ Huổi Trạng Tai, huyện Điện Biên, đợt 2; đường Phì Nhừ - Phình Giàng - Pú Hồng - Mường Nhà, giai đoạn 2: phân đoạn Phình Giàng - Pú Hồng; đầu tư xây dựng đoạn đường tránh sân bay; xây dựng khu, điểm tái định cư Khu trung tâm chính trị, hành chính tỉnh Điện Biên; sân vận động huyện Điện Biên Đông) chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được UBND tỉnh cho phép nộp tiền trồng rừng thay thế. Theo đó, tổng diện tích 6 dự án phải thực hiện trồng rừng thay thế hơn 34,3ha. Trong đó dự án hồ Huổi Trạng Tai có diện tích phải trồng rừng thay thế lớn nhất gần 27,5ha.

Tìm hiểu được biết, ngay sau khi văn bản chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của UBND tỉnh ban hành, chủ đầu tư của 6 dự án nêu trên đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế, với tổng số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, trong 6 dự án trên chỉ có 1 dự án đã tổ chức trồng rừng thay thế với diện tích 1,98ha. Còn lại hơn 32,3ha cần trồng rừng thay thế của 5 dự án đến thời điểm này vẫn chưa triển khai.

Lý giải về nguyên nhân chưa thực hiện trồng rừng thay thế diện tích còn lại, bà Mai Hương, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Trong số 6 dự án trên, chỉ có Dự án Hạ tầng Nhà máy xử lý rác thải và công trình Nhà máy xử lý rác thải huyện Tuần Giáo nộp tiền trước mùa vụ trồng rừng của tỉnh, được UBND tỉnh phân bổ vốn cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo thực hiện triển khai. 5 dự án còn lại mặc dù chủ dự án đã kịp thời nộp tiền ngay sau khi có văn bản chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế của UBND tỉnh nhưng do nộp tiền sau thời điểm UBND tỉnh phân bổ vốn trồng rừng thay thế đợt 1 (năm 2022) và sau mùa vụ trồng rừng của tỉnh nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh phân bổ vốn cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu, năng lực để thực hiện trồng ngay trong mùa vụ trồng rừng năm 2023.

Cùng với trồng rừng thay thế các dự án của năm 2022, năm nay toàn tỉnh đã triển khai trồng 60,7ha rừng thay thế của 9 dự án được UBND tỉnh phê duyệt phương án nộp tiền trồng rừng thay thế trước năm 2022. Theo đánh giá chung, công tác trồng rừng năm 2022 cơ bản hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu. Cụ thể, đến tháng 10/2022, trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện trồng được 62,68ha rừng thay thế của 10 dự án, đạt 100% kế hoạch UBND tỉnh giao. Hầu hết diện tích trồng rừng thay thế đảm bảo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Tại huyện Tuần Giáo, theo kế hoạch được giao trong năm 2022, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã thực hiện trồng rừng thay thế được 16,8ha, đạt 100% kế hoạch. Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết, toàn bộ diện tích rừng trồng thay thế đều là rừng phòng hộ, được đơn vị thực hiện đảm bảo theo quy định như: Ký kết hợp đồng, xây dựng hồ sơ dự toán trình phê duyệt; các biện pháp kỹ thuật được đơn vị hướng dẫn, triển khai tới các hộ nhận khoán đảm bảo đúng quy trình, đúng kỹ thuật... Loại cây được lựa chọn để trồng là thông mã vĩ và thông caribe, là những cây trồng khá phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Cây giống được tuyển chọn kỹ, có chất lượng cao, công tác chăm sóc và bảo vệ được chú trọng nên tỷ lệ cây sống đạt từ 87 - 88%.

Cùng với 16,8ha rừng trồng thay thế ở huyện Tuần Giáo, thời điểm này, những diện tích rừng trồng thay thế được trồng trong năm 2022 ở những địa phương khác đang được các đơn vị chức năng tiến hành đánh giá, nghiệm thu. Theo bà Mai Hương, để diện tích rừng trồng thay thế đảm bảo đạt chất lượng, ngoài thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng, diện tích rừng trồng không đảm bảo chất lượng sẽ kiên quyết đề nghị Kho bạc Nhà nước không thanh toán chi phí trồng, chăm sóc rừng. Ðối với chủ đầu tư các dự án bảo vệ và phát triển rừng cấp huyện, đơn vị trồng rừng thay thế, đặc biệt đối với các đơn vị, địa phương trồng rừng không đạt, cần nghiêm túc tổ chức các biện pháp khắc phục diện tích không đảm bảo; tự thỏa thuận, thống nhất với các hộ nhận khoán để bố trí kinh phí thực hiện trồng lại hoặc trồng bổ sung đối với diện tích rừng trồng chưa đạt. Trường hợp không tổ chức khắc phục được phải chịu trách nhiệm bồi hoàn kinh phí trồng rừng cho Nhà nước nếu nguyên nhân được xác định không phải do yếu tố bất khả kháng…

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top