Để người dân đồng thuận với các dự án trồng mắc ca

09:02 - Thứ Sáu, 18/11/2022 Lượt xem: 2793 In bài viết

ĐBP - Hiện nay hầu hết các dự án trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh đang chậm tiến độ do gặp khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục về đất đai, đặc biệt là còn nhiều người dân trong vùng dự án chưa đồng thuận. Một trong những nguyên nhân là do người dân chưa hiểu hết về giá trị kinh tế của cây mắc ca và những lợi ích khi tham gia thực hiện dự án liên kết.

Công nhân Công ty Cổ phần Him Lam mắc ca Điện Biên chăm sóc vườn cây mắc ca tại huyện Mường Nhé.

Để người dân vùng dự án đồng thuận việc thực hiện các dự án trồng mắc ca, tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng liên quan phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư trồng mắc ca đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về những lợi ích của việc trồng mắc ca. Trường hợp người dân hợp tác với nhà đầu tư trồng mắc ca theo phương thức hợp đồng liên kết thông qua hợp tác xã thì nhà đầu tư chịu trách nhiệm hỗ trợ, cung cấp cây giống, vật tư thiết yếu cho người dân, mức hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/hộ theo chính sách hỗ trợ sau đầu tư. Bên cạnh đó, người dân có thể hợp tác với nhà đầu tư thông qua hình thức khác, như góp vốn với nhà đầu tư bằng giá trị quyền sử dụng đất, đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng theo quy định của pháp luật về góp vốn, đất đai.

Tham gia liên kết dự án, người dân được nhà đầu tư hỗ trợ 100% kinh phí làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhà đầu tư hỗ trợ kinh phí đo đạc, quy chủ toàn bộ phần diện tích theo hiện trạng trong vùng dự án; phối hợp với chính quyền địa phương vùng dự án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân theo thực trạng diện tích đất trồng cây hàng năm hiện nay người dân đang quản lý sử dụng, nhưng tối đa không quá 5ha/hộ gia đình, cá nhân. Với diện tích đất do người dân quản lý còn lại trong vùng dự án, Nhà nước thực hiện thu hồi cho nhà đầu tư thuê theo quy định và nhà đầu tư hỗ trợ tối thiểu cho người dân 15 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nảy sinh những bất cập, vướng mắc, khiến nhiều người dân vùng dự án chưa đồng thuận. Đơn cử, tại buổi tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng cây mắc ca do Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần Mắc ca Liên Việt Điện Biên tổ chức trên địa bàn 2 xã Na Tông, Núa Ngam (huyện Điện Biên), nhiều hộ dân chưa hiểu hết về chính sách nên chưa đồng thuận thực hiện dự án, nhất là việc liên kết thành lập hợp tác xã trồng mắc ca.

Bên cạnh đó, với một số diện tích người dân đồng ý góp đất trồng mắc ca theo hình thức liên kết hợp tác xã, thì người dân đã chủ động chuẩn bị các điều kiện (đào hố), nhưng kết thúc mùa trồng cây doanh nghiệp vẫn không cung ứng cây giống; hoặc có cung ứng nhưng lại không cam kết bảo đảm chất lượng cây. Đơn cử như tại Hợp tác xã Mắc ca Tát Hẹ, xã Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng). Ngay sau khi được tuyên truyền, thành lập hợp tác xã, thành viên góp đất trồng mắc ca theo hình thức liên kết. Sau đó mỗi thành viên góp đất chủ động đào hố, đợi nhà đầu tư cung cấp phân bón, cây giống để trồng. Đợi chờ, gọi điện hỏi nhà đầu tư nhiều lần nhưng nhà đầu tư cứ khất lần, hẹn lần này sang lần khác. Sau cùng thì các thành viên đành tự bỏ tiền mua cây giống về trồng.

Thực tế, một số người dân vùng dự án chưa hiểu rõ giá trị cây mắc ca; chưa hiểu rõ cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, do đó nếu tuyên truyền không đúng, không trúng khiến người dân hồ nghi, không mặn mà tham gia. Vì vậy, nhiều hộ không đồng thuận tham gia góp đất hoặc liên kết thực hiện. Tính đến tháng 10/2022, các dự án mới chỉ thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai đạt 18% và tổ chức trồng được hơn đạt 28,5% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2022 (tổng diện tích theo kế hoạch đặt ra là 14.781ha). Trong khi đó, một số dự án đã được nhà đầu tư thực hiện trồng, nhưng hiện nay không được quan tâm chăm sóc, chậm trả tiền công cho người lao động kéo dài làm giảm niềm tin, sự ủng hộ của người dân tham gia thực hiện dự án (điển hình như dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ).

Chủ trương của tỉnh về thu hút, đầu tư các dự án trồng mắc ca nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương, xóa đói, giảm nghèo. Vì vậy cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân vùng dự án hiểu và đồng thuận; nhất là tuyên truyền về cơ chế, chính sách của tỉnh trong phát triển cây mắc ca, lợi ích của người dân khi tham gia thực hiện các dự án trồng mắc ca. Đặc biệt cần khắc phục tình trạng nhà đầu tư khi vận động được người dân tham gia rồi lại không quan tâm thực hiện, khiến người dân không tin tưởng.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top