Vấn đề hôm nay

Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng

14:19 - Thứ Tư, 15/03/2023 Lượt xem: 2755 In bài viết

ĐBP - Tính đến cuối tháng 2, nông dân toàn tỉnh đã gieo cấy được 9.536,58ha lúa vụ Đông Xuân, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,46% kế hoạch. Sản xuất nông nghiệp chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Và càng cấp thiết hơn, khi trong tương lai gần, lĩnh vực nông - lâm nghiệp đang được tỉnh chú trọng chỉ đạo, tập trung thực hiện, nhằm giành năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế cao, giúp người nông dân có cuộc sống ổn định, xoá đói giảm nghèo bền vững.

Có mùa vụ sản xuất thắng lợi, bên cạnh yếu tố giống, áp dụng khoa học kỹ thuật trong gieo trồng, chăm sóc lúa, hoa màu, yếu tố then chốt nữa là chú trọng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện nay lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn tỉa giặm - cuối đẻ nhánh; cây ăn quả đang giai đoạn ra hoa. Thời tiết những ngày gần đây đang ấm dần. Về đêm và sáng sớm nền nhiệt độ thấp hơn, có sương mù, mưa rải rác kèm theo dông; đồng thời cây trồng bước vào thời kỳ mẫn cảm, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lây lan và nhiều đối tượng sinh vật gây hại trên lúa, cây ăn quả. Tổng diện tích cây trồng nhiễm sinh vật gây hại 1.333ha; trong đó diện tích lúa nhiễm bệnh 476,6ha, cây trồng khác 857,3ha. Cụ thể, bệnh đạo ôn lá tỷ lệ hại 1- 1,5%, cao 15%, cục bộ 50% lá trên giống lúa Séng cù, Hana, J02, Bắc thơm số 7, Đài thơm… tại địa bàn huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, Mường Ảng, Mường Nhé. Tập đoàn rầy, bọ xít đen, bệnh bạc lá, khô vằn xuất hiện gây hại nhẹ - trung bình trên cây lúa; châu chấu, sâu vẽ bùa, rệp kim, bệnh chảy gôm, bệnh muội đen trên cây có múi; mối, rệp hại rễ và bệnh mốc sương gây rụng quả non trên xoài; bọ xít nâu trên nhãn vải.

Để bảo vệ an toàn sản xuất vụ Đông Xuân 2023, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, vấn đề quan trọng nhất là chủ động dự báo, khuyến cáo nông dân bám đồng ruộng để kịp thời phát hiện các đối tượng sâu bệnh, dịch hại có thể ảnh hưởng tới cây trồng.

Đối với cây lúa: Kiểm tra, rà soát vùng có nguy cơ cao bị bệnh đạo ôn (các giống nhiễm, những diện tích thường bị nhiễm bệnh nặng trong các năm trước) để khoanh vùng chỉ đạo phun phòng, trừ đạo ôn lá. Với diện tích ruộng bị nặng có thể phun kép lần 2 sau lần 1 từ 5 - 7 ngày. Ruộng bị bệnh đạo ôn cần duy trì mực nước tuỳ giai đoạn sinh trưởng cho đến khi khống chế được bệnh. Cần thực hiện rút nước xen kẽ giai đoạn lúa đẻ nhánh; bón phân cân đối, không bón đạm trên những chân ruộng xanh tốt, tăng cường bón phân hữu cơ, phân ka-ly giúp cây tăng khả năng chống chịu. Ngoài ra, cần lưu ý kiểm soát chặt tập đoàn rầy, bọ xít đen, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn…

Thường xuyên cắt tỉa cành tăm, cành vượt, cành già cỗi, cành bị sâu bệnh nặng trên cây ăn quả, tạo thông thoáng vườn cây, tăng khả năng quang hợp, hạn chế sâu bệnh hại. Quét vôi vào gốc và các vết cắt để hạn chế nơi cư trú của sâu hại và nấm bệnh; tủ gốc giữ ẩm, bón phân cân đối giữa các loại phân theo quy trình kỹ thuật. Không sử dụng thuốc trừ cỏ trên vườn; bảo vệ, nhân nuôi các loài thiên địch tự nhiên và ưu tiên ứng dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ dịch hại kết hợp bổ sung nấm đối kháng hạn chế nguồn nấm bệnh. Chú ý phòng trừ sâu vẽ bùa, rệp vảy, nhện, bệnh muội đen, bệnh sẹo, loét… trên cây có múi; mối, châu chấu hại lá, rệp hại rễ, bệnh mốc sương, thán thư trên cây xoài; bọ xít nâu, rệp sáp trên cây nhãn vải. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ sản xuất cây ăn quả, đảm bảo đủ nước tưới khi cây ra hoa, phát triển quả.

Do nhận thức còn hạn chế, bà con nông dân thường phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng theo thói quen. Điều này sẽ gây hại cây trồng nếu dùng quá liều lượng thuốc bảo vệ thực vật, làm ô nhiễm môi trường nước, không khí; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, trong nông sản, thực phẩm… ảnh hưởng trực tiếp sức khoẻ con người. Do vậy, cơ quan chuyên môn: Trung tâm Dịch vụ nông nghiêp/Dịch vụ kinh tế tổng hợp, Chi cục Bảo vệ thực vật… cần thường xuyên nắm bắt tình hình sinh vật gây hại và tham mưu lãnh đạo cấp trên, UBND huyện các giải pháp chỉ đạo phù hợp; phân công cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn, chủ động mở rộng tuyến điều tra để hướng dẫn, chỉ đạo bà con nông dân phòng chống sâu bệnh kịp thời. Cùng với đó, tổ chức kiểm tra thực tế tại các địa bàn trọng điểm, hỗ trợ địa phương trong công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, khoanh vùng dịch hại để đề xuất các giải pháp phòng trừ kịp thời. Tiếp tục thực hiện các nghiên cứu, thử nghiệm về giải pháp kỹ thuật, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật thế hệ mới để khuyến cáo nông dân áp dụng phòng trừ sâu bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền để hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh được nhanh chóng, chính xác.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top