Phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

07:29 - Thứ Sáu, 17/03/2023 Lượt xem: 2957 In bài viết

ĐBP - Thời điểm giao mùa, thời tiết diễn biến phức tạp khiến sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm sút, đây chính là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển. Do đó, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương hướng dẫn người chăn nuôi chủ động triển khai các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi.

Người dân xã Pom Lót, huyện Điện Biên nuôi nhốt bò để chăm sóc trong thời điểm giao mùa.

Tháng 2 vừa qua, tại 2 xã Phu Luông và Mường Lói (huyện Điện Biên) phát hiện có gia súc nghi mắc bệnh lở mồm long móng. Ngay sau khi nhận được thông báo, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cử cán bộ đến kiểm tra, xác minh tình hình dịch bệnh. Qua kiểm tra đàn trâu, bò nghi mắc bệnh thì có 76 con bị lở mồm long móng. Trung tâm phối hợp với các xã khoanh vùng xử lý tại chỗ theo cụm chăn thả. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện điều trị như: dùng các loại quả chua chà xát vào vết lở loét ở miệng; làm sạch, sát trùng các chỗ loét ở móng chân... đồng thời bổ sung các loại thuốc tăng đề kháng cho vật nuôi như vitamin C và chú ý dinh dưỡng cho vật nuôi không để gia súc bị đói dẫn đến kiệt sức chết.

Ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Sau khi phát hiện và xử lý kịp thời, đến nay số gia súc nghi mắc bệnh lở mồm long móng đã trở lại ăn uống bình thường. Trên đàn gia cầm xuất hiện một số bệnh thông thường rải rác ở một số hộ chăn nuôi đã được phát hiện, chữa trị kịp thời. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi, Trung tâm phối hợp với UBND các xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật, chăm sóc, quản lý, phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi.

Từ đầu năm đến nay, các bệnh: Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm được kiểm soát tốt, trên địa bàn tỉnh không phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh. Bệnh lở mồm long móng xảy ra tại một số xã trên địa bàn huyện Điện Biên đến nay số gia súc mắc bệnh cơ bản đã khỏi về triệu chứng lâm sàng, không có thiệt hại. Đối với bệnh dại ở chó qua kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm phát hiện 4 mẫu dương tính tại huyện Tuần Giáo, TP. Điện Biên Phủ và đã có 1 người tử vong do nghi bệnh dại lên cơn tại huyện Điện Biên Đông.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, nguy cơ các loại dịch bệnh phát sinh trong thời gian tới là rất cao do mầm bệnh lưu hành nhiều nơi. Thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp làm giảm sức đề kháng của vật nuôi tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển gây bệnh; việc vận chuyển gia súc, gia cầm tăng cao phục vụ lễ hội đầu năm, trong khi giết mổ trên địa bàn tỉnh đều là giết mổ nhỏ lẻ, hộ gia đình. Trước tình hình đó, Chi cục đã phối hợp với chính quyền các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật, tăng cường kiểm tra, giám sát các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh.

Ngoài ra, Chi cục Thú y đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng chống; nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh nguy hiểm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép. Tuyên truyền vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép vào địa bàn. Khuyến cáo các địa phương chủ động bố trí kinh phí tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2023.

Chi cục Thú y cũng phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh; phát hiện kịp thời các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm động vật không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top