Châu Âu trước mối lo thiếu hụt năng lượng: Tìm cách khắc phục khẩn cấp

09:21 - Thứ Tư, 22/06/2022 Lượt xem: 6396 In bài viết

Dù đã chuẩn bị tinh thần để ứng phó với khả năng thiếu hụt khí đốt khi Nga giảm dần số lượng cung cấp, song các nước Liên minh châu Âu (EU) dường như vẫn bị động trước tình huống có thể dự báo trước này. Trước nguy cơ nguồn cung khí đốt sụt giảm mạnh, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, những ngày gần đây, chính phủ nhiều nước châu Âu đã đưa ra những giải pháp khẩn cấp nhằm khắc phục tình trạng này.

Châu Âu đang lâm vào tình cảnh khó trong tích trữ năng lượng cho mùa đông sau khi Nga cắt giảm khối lượng lớn khí đốt.

Nga hiện đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho một số thành viên EU, bao gồm Phần Lan, Bulgaria và Ba Lan do tranh chấp liên quan tới việc thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Quốc gia này cũng giảm mức cung cấp khí đốt tối đa cho Đức thông qua đường ống Nord Stream xuống 40%.

Giới chuyên gia năng lượng lo ngại châu Âu sẽ lâm vào tình cảnh khó khăn trong tích trữ khí đốt cho mùa đông - thời điểm nhu cầu tiêu thụ ở mức cao nhất.

Để ứng phó, ngày 21-6, Ủy ban An ninh của Quốc hội Italia đã nhóm họp với Bộ Chuyển đổi sinh thái để cân nhắc việc ban bố tình trạng báo động, qua đó có thể hạn chế việc tiêu thụ và tăng cường tích trữ khí đốt sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) giảm bớt nguồn cung. Theo quy định về khẩn cấp của Italia, khi tình trạng báo động có hiệu lực, cơ quan chức năng sẽ thông báo lượng cung cấp khí đốt cho các ngành cụ thể trong từng giai đoạn.

Trong khi đó, Áo đã thông báo cho phép Tập đoàn Verbund thuộc sở hữu nhà nước - doanh nghiệp cung cấp điện chủ chốt của nước này - khởi động lại Nhà máy Điện Mellach, ở miền Nam Styria. Nhà máy này là cơ sở sản xuất điện từ than đá cuối cùng của Áo, vốn đã đóng cửa vào dầu năm 2020 khi Chính phủ nước Áo loại bỏ dần nguồn cung năng lượng gây ô nhiễm, chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang cân nhắc các biện pháp pháp lý để đa dạng hóa nguồn cung khí đốt nhằm đối phó với tình huống khẩn cấp trước mắt. Vienna nhập khẩu khoảng 80% khí đốt từ Mátxcơva. Do đó, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine, Áo đang phải nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế.

Tương tự, Chính phủ Đức và Hà Lan cũng phải ra quyết định đẩy mạnh khởi động các nhà máy nhiệt điện than. Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Đức Robert Habeck cho biết, đây là quyết định “cay đắng” nhưng cần thiết để giảm tiêu thụ khí đốt. Berlin đã kêu gọi người dân tiết kiệm sử dụng năng lượng để có thêm nguồn khí đốt cho dự trữ mùa đông. Còn tại Hy Lạp, nhà chức trách đã tăng cường hoạt động khai thác than tại khu vực gần thành phố Kozani. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis tuyên bố, tăng sản xuất than nâu 50% để dự trữ cho đến năm 2024. Nước này cũng tạm dừng kế hoạch đóng cửa một số nhà máy nhiệt điện than.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu dòng khí đốt của Nga không sớm quay trở lại, châu Âu khi đó sẽ phải đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm các chuyến hàng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) bằng đường tàu biển để bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Nhưng lựa chọn này cũng rất mong manh, như những gì đã diễn ra trong nửa tháng qua. Vụ cháy nổ tại cơ sở LNG tại bang Texas, vốn chiếm khoảng 20% sản lượng LNG của Mỹ, khiến nguồn cung bị ảnh hưởng, do trạm LNG này phải đóng cửa trong ít nhất 3 tháng.

Trong khi đó, nguồn cung khí đốt tăng cường từ Israel qua Ai Cập tới EU cũng khó đáp ứng đủ nhu cầu của Cựu lục địa. Một số tính toán của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, 2 mỏ khí đốt lớn của Israel ngoài khơi bờ biển Đông Địa Trung Hải là Tamar và Leviathan cung cấp khoảng 19,5 tỷ mét khối khí đốt vào năm 2021. Trong số này, 7,2 tỷ mét khối đã được xuất khẩu. Đây chỉ là con số nhỏ khi so sánh với 55 tỷ mét khối khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga vào năm ngoái.

Cách đây ít ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Nhận định này không phải vô căn cứ khi chi phí năng lượng tại châu Âu tăng tới hơn 50% trong thời gian qua. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp, đồng thời làm gia tăng lo ngại về tình trạng lạm phát. Nếu không đưa ra được những giải pháp phù hợp, tăng trưởng kinh tế nói chung của toàn khu vực châu Âu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top