Làn gió mới trong quan hệ Pháp-châu Phi

09:24 - Thứ Năm, 28/07/2022 Lượt xem: 6997 In bài viết

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chọn châu Phi là điểm đến trong chuyến công du ngoài châu Âu đầu tiên trong nhiệm kỳ mới. Với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề lương thực và an ninh, chuyến thăm được kỳ vọng góp phần tăng ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi, khu vực đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cường quốc.

Tổng thống Cameroon Paul Biya tiếp người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Dinh Tổng thống ở thủ đô Yaounde, ngày 26/7/2022. (Ảnh: Reuters)

Chặng dừng chân đầu tiên của Tổng thống Pháp là Cameroon. Tại quốc gia giàu khoáng sản và là nhà sản xuất lương thực hàng đầu châu Phi, ông Macron đã có cuộc gặp với người đồng cấp Paul Biya và thảo luận phương hướng mở rộng cánh cửa giúp các doanh nghiệp Pháp tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Cameroon. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Macron cũng đến Benin, trước khi dừng chân tại Guinea-Bissau và gặp Tổng thống Umaro Sissoco Embalo, người vừa được bầu làm Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).

Vai trò của Pháp trong bảo đảm an ninh châu Phi là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm và cũng được cho là một trong những mục tiêu chính của chuyến công du, nhất là khi Pháp sắp hoàn tất việc rút lực lượng khỏi Mali sau gần 10 năm đóng quân. Ông Macron từng nói rõ, sứ mệnh của Pháp ở Mali đã kết thúc, song cam kết của Paris bảo đảm an ninh cho khu vực Sahel vẫn không thay đổi.

Trên thực tế, sau khi tuyên bố chấm dứt hiện diện quân sự của Pháp tại Mali, Tổng thống Macron đã thảo luận với nhiều nhà lãnh đạo châu Phi về việc tái bố trí lực lượng Pháp sang các nước khác trong khu vực.

Phát biểu tại Cameroon, Tổng thống Pháp cũng nhấn mạnh, Paris sẽ tiếp tục hỗ trợ bảo đảm an ninh ở châu Phi. Pháp dự kiến mở rộng sứ mệnh ra bên ngoài khu vực Sahel, tới vịnh Guinea và các nơi khác.

Mục tiêu của Pháp duy trì vai trò bảo đảm an ninh tại châu Phi cho thấy, châu lục này vẫn là một “ưu tiên chính trị” trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron.

Theo các nhà phân tích, sự hiện diện của quân đội Pháp tại châu Phi mang lại lợi ích cho cả hai bên. Về phía Paris, châu Phi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu, với nhiều quốc gia là thuộc địa cũ và chịu ảnh hưởng lớn của Pháp. Hơn nữa, chiến lược an ninh mà Paris theo đuổi từ nhiều năm nay là chống khủng bố từ gốc. Pháp cho rằng, nếu các tổ chức khủng bố còn bám rễ tại châu Phi, thì nguy cơ đối với an ninh Pháp vẫn tồn tại.

Ở chiều ngược lại, với các nước châu Phi, việc Pháp rút quân khỏi Mali có thể tạo ra “khoảng trống an ninh” tại khu vực. Tây Phi được cảnh báo có thể là khu vực ưu tiên của các nhóm khủng bố, như tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Al-Qaeda…, trong chiến lược mở rộng địa bàn hoạt động sau khi thất bại tại khu vực Trung Đông.

Những năm gần đây, châu Phi chuyển mình mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực và trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược của các cường quốc ngoài khu vực. Trùng thời điểm chuyến công du của Tổng thống Pháp thực hiện, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cũng thăm các nước Ai Cập, Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo, nhằm tăng cường hợp tác với châu Phi. Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây ấn định tổ chức Hội nghị cấp cao Mỹ-châu Phi vào tháng 12 tới tại Washington, đồng thời nhấn mạnh rằng hội nghị thể hiện cam kết lâu dài của Mỹ đối với châu lục này. Trong bối cảnh ấy, chuyến công du của Tổng thống Pháp được xem như nỗ lực “không chậm chân” tại châu Phi.

Một nội dung quan trọng khác được đề cập trong chuyến công du của Tổng thống Macron là an ninh lương thực. Đây là vấn đề được các nhà lãnh đạo châu Phi đặc biệt quan tâm khi châu lục này đang đối mặt tình trạng thiếu ngũ cốc do ảnh hưởng từ căng thẳng tại Ukraine. Phát biểu tại Cameroon trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Macron đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ châu Phi ứng phó tình trạng mất an ninh lương thực hiện nay bằng việc nâng cao năng lực sản xuất của các quốc gia trong khu vực.

Giới phân tích nhận định, chuyến công du là lời khẳng định về cam kết thổi làn gió mới cho mối quan hệ giữa Paris với châu Phi mà Tổng thống Macron đưa ra khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, cũng là bước đi cần thiết nhằm củng cố vị thế của Pháp tại khu vực ảnh hưởng truyền thống.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top