Nắng nóng kỷ lục hoành hành khắp thế giới: Tác động sâu rộng tới kinh tế - xã hội

09:18 - Thứ Hai, 29/08/2022 Lượt xem: 6187 In bài viết

Đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử đang diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới. Không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, làm tê liệt nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nắng nóng kỷ lục còn tiềm ẩn những tác động tiêu cực sâu rộng và lâu dài đối với kinh tế - xã hội toàn cầu.

Hồ Bà Dương (tỉnh Giang Tây) - hồ nước ngọt lớn nhất của Trung Quốc cạn trơ đáy vì nắng nóng.

Tại Trung Quốc, đợt nắng nóng được mô tả là “tồi tệ nhất trong hơn 60 năm” đã kéo dài hơn 70 ngày, quét qua các vùng đất rộng lớn, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tại hàng trăm trạm khí tượng. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) dự báo nhiều khu vực của nước này sẽ hứng chịu thời tiết nắng nóng gay gắt với nhiệt độ trên 35 độ C. Ở châu Âu, Cơ quan Thời tiết quốc gia Anh (Met Office) lần đầu tiên phải ban bố cảnh báo đỏ do nóng cực đoan. Còn Viện Thủy văn Liên bang Đức cảnh báo khô hạn khiến nước sông Rhine tại Trạm đo Kaub, phía Tây Frankfurt thấp hơn 45% mức trung bình thời điểm này trong năm. Tại Tây Ban Nha, báo cáo mới nhất công bố vào ngày 25-8 của Hệ thống giám sát tử vong hằng ngày của Viện Y tế Carlos III (MoMo) cho thấy, số ca tử vong trong những đợt nắng nóng gần đây cao chưa từng thấy.

Nắng nóng kỷ lục và hạn hán dẫn tới nhiều hệ lụy kinh tế - xã hội. Thiếu năng lượng khiến Tứ Xuyên - tỉnh có 80 triệu người của Trung Quốc, chứng kiến tình trạng nhiều nhà máy đóng cửa, tàu điện ngầm tối om; người dân buộc phải ngừng sử dụng điều hòa không khí. Tại các trang trại bị cắt điện, vô số gia cầm và tôm cá không thể sống sót. Trung tâm tài chính Thượng Hải với những tòa cao ốc rực rỡ mang tính biểu tượng giờ đây phải tắt bớt thiết bị điện để tiết kiệm năng lượng khi nhiệt độ tăng cao khiến các hạ tầng điện mặt trời suy giảm hiệu suất, thủy điện thiếu nước vận hành.

Tại Anh, bên cạnh nỗ lực ứng phó cháy rừng bùng phát mà lực lượng cứu hỏa London đã gọi ngày 23-8 vừa qua là "ngày bận rộn nhất kể từ Thế chiến thứ II" khi phải đối mặt với 1.146 sự cố cháy nổ khắp địa bàn, giao thông cũng gián đoạn. Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Anh Grant Shapps cho biết, nhiều tuyến đường sắt cũ của nước này không được thiết kế để chống chịu nhiệt độ cao. Nắng nóng cực đoan cũng đang khiến cho mạng lưới điện của Anh chịu nhiều áp lực, đặc biệt là từ việc sử dụng điều hòa không khí.

Trong nông nghiệp, nhiệt độ cao kỷ lục đe dọa nguồn cung nước sạch và sự sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi. Tại Mỹ, khô hạn kỷ lục đã "vắt kiệt" các hồ chứa nước lớn nhất, buộc chính phủ phải thực hiện các chính sách giảm sử dụng nước. Tới 75% nông dân Xứ cờ hoa cho biết, khô hạn đang hủy hoại vụ mùa, buộc họ phải bán bớt gia súc, phá hủy cây trồng. Còn nông dân Đức bày tỏ lo ngại năng suất trồng trọt có thể chỉ bằng một nửa năm ngoái.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), các đợt nắng nóng đang hoành hành có thể trở thành hiện tượng bình thường mới trong những thập kỷ tới. Nhiều chuyên gia nhận định, quan điểm cho rằng các quốc gia ôn đới sẽ tránh được hệ quả kinh tế của biến đổi khí hậu là không hợp lý; đồng thời lo ngại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng liên kết chặt chẽ, sự gián đoạn ở bất kỳ mắt xích nào đều sẽ gây ra tổn thất dây chuyền. Nắng nóng kéo dài phá vỡ sự đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng đến năng suất trong trồng trọt về dài hạn, kéo theo năng suất nông nghiệp giảm sâu, đẩy giá lương thực lên cao. Trong khi đó, mực nước các con sông hạ thấp khiến tàu chở hàng phải giảm tải trọng, chi phí vận chuyển tăng vọt...

Trong bối cảnh nhân loại tiếp tục gánh chịu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, rất cần tiếp tục có những hành động ở cấp toàn cầu, giảm khí thải về mức trung hòa để cứu vãn tình hình.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top