Giới doanh nghiệp G7: Thiếu tham vọng cắt giảm khí thải

16:10 - Thứ Hai, 12/09/2022 Lượt xem: 6579 In bài viết

Các công ty và tập đoàn tại các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang không đáp ứng được các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu do nền tảng dữ liệu phi chính phủ (CDP) và công ty tư vấn quản lý toàn cầu Oliver Wyman (có trụ sở ở London, Anh) thực hiện.

Nhà máy điện Drax ở Anh tham gia vào liên minh các công ty trung hòa carbon đầu tiên. Nguồn: Báo Time

Xếp hạng nhiệt độ

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia tham gia ký kết đã nhất trí hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2OC và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5OC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp, qua đó có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, phân tích của CDP và Oliver Wyman cho thấy, các công ty tại các nước Nhóm G7 đã đặt ra mục tiêu tổng thể cắt giảm khí thải để nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 2,7OC, thấp hơn so với mục tiêu của hiệp định trên. Dựa trên các mục tiêu giảm phát thải hiện tại do các công ty đặt ra, không doanh nghiệp G7 nào có khả năng khử carbon đủ nhanh để đáp ứng mục tiêu 1,5OC.

Báo cáo cho thấy, các công ty ở Đức và Italy có những mục tiêu tham vọng nhất để giảm lượng khí thải là 2,2OC, theo sau là Pháp (2,3OC), Anh (2,6OC), Mỹ (2,8OC). Các công ty Canada có các mục tiêu trung bình là 3,1OC, thấp nhất trong G7. Xếp hạng nhiệt độ trong nghiên cứu phản ánh tham vọng của doanh nghiệp, chứ không phải là các chính sách khí hậu quốc gia, hoặc đóng góp do quốc gia xác định. 

Phân tích dựa trên xếp hạng nhiệt độ CDP, biến mục tiêu giảm phát thải của các công ty thành kết quả ấm lên toàn cầu bằng cách xác định tổng lượng khí thải trong chuỗi giá trị của công ty, phản ánh khả năng tăng nhiệt độ nếu lượng khí thải toàn cầu giảm cùng tốc độ với mục tiêu của các công ty. 

Đối với nhiệt độ của mỗi quốc gia, xếp hạng cho các công ty riêng lẻ được tổng hợp và tính theo tổng lượng khí thải. Phân tích cho thấy sự vượt trội rõ ràng và nhất quán của các công ty châu Âu so với các công ty cùng ngành ở Bắc Mỹ và châu Á trên tất cả các ngành. Ví dụ, lĩnh vực sản xuất điện của châu Âu đi trước tất cả lĩnh vực trên toàn cầu về nhiệt độ nóng lên 1,9OC, so với 2,1OC đối với các công ty Bắc Mỹ và 3OC đối với các công ty châu Á. Thiết lập mục tiêu trong ngành công nghiệp ở châu Âu cũng tiên tiến hơn với khoảng 80% tổng lượng khí thải có mục tiêu 2OC. Nhìn chung, khu vực doanh nghiệp châu Âu đã cải thiện từ 2,7OC vào năm 2020 lên 2,4OC năm 2022, một phần được giải thích bởi sự gia tăng nhanh chóng (85%) các công ty có mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học. 

Vẫn không nhất quán

Các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học được coi là tiêu chuẩn vàng, vì chúng được đánh giá độc lập và là động lực chính dẫn đến kế hoạch đặt ra các mục tiêu nhiệt độ thấp hơn. Nói chung, các công ty có mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học đã giảm 25% lượng khí thải kể từ năm 2015, so với mức tăng 3,4% của lượng khí thải toàn cầu từ năng lượng và công nghiệp.

Xếp hạng nhiệt độ cao ở các quốc gia như Canada và Mỹ phần lớn xuất phát từ việc các công ty thiếu mục tiêu. Theo giới khoa học, sự khác biệt giữa 1,5OC và 2OC bao gồm cả khả năng mùa hè Bắc Cực không có băng tăng 10 lần, số người tiếp xúc với các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt tăng 2,6 lần, và tác động lên sản lượng thủy sản, mùa màng tăng gấp 2 lần. 

Ông James Davis (Công ty phân tích Oliver Wyman) nhấn mạnh, phân tích này đã làm rõ những khác biệt lớn về tham vọng và sự thiện chí của các công ty trong việc thực hiện các mục tiêu khí hậu của mình, đồng thời cho thấy sự cần thiết phải nhân rộng các biện pháp tốt nhất và nhanh hơn nữa để thực hiện các mục tiêu khí hậu.

Thêm vào đó, Cơ quan giám sát công nghiệp InfluenceMap (Anh) cho biết, các tập đoàn năng lượng lớn đang phóng đại các hoạt động bảo vệ môi trường của chính họ trong các thông điệp đưa ra công chúng, trong khi tiếp tục dành phần lớn đầu tư mới cho các dự án dầu khí. InfluenceMap đã tiến hành phân tích hơn 3.400 thông điệp của 5 tập đoàn năng lượng lớn là BP, Chevron, ExxonMobil, Shell và TotalEnergies trong năm 2021, gồm các thông cáo báo chí, các bài phát biểu và các nội dung đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của tập đoàn và các lãnh đạo tập đoàn. Kết quả phân tích cho thấy, 60% thông điệp chứa ít nhất một nội dung liên quan bảo vệ môi trường, như mục tiêu giảm phát thải, hay thúc đẩy khí đốt tự nhiên trong giải pháp năng lượng sạch. 

Tuy nhiên, tỷ lệ này hoàn toàn trái ngược với đầu tư theo kế hoạch trong năm 2022 của 5 tập đoàn trên. Theo đó, chỉ 12% đầu tư mới được dành cho các hoạt động phát thải thấp. Phân tích của InfluenceMap cho thấy trong số các tập đoàn trên, Shell ghi nhận mức chênh lệch lớn nhất giữa nói và làm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 70% thông điệp truyền thông của Shell năm ngoái có chứa ít nhất một tuyên bố về hoạt động thân thiện môi trường, trong khi chỉ 10% trong kế hoạch đầu tư năm nay được dành cho các dự án phát thải thấp. Trong khi đó, 62% thông điệp của TotalEnergies đề cập các hoạt động bảo vệ môi trường, so với 25% chi tiêu vốn năm 2022 dành cho các dự án phát thải carbon thấp. 

Theo tác giả của báo cáo là bà Faye Holder, sự không nhất quán giữa các chiến lược truyền thông và kế hoạch kinh doanh của các tập đoàn năng lượng có thể khiến các tập đoàn này tiếp tục trì hoãn các dự án khử carbon vốn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top