Các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực đạt được mục tiêu về cắt giảm khí thải. Xe điện (EV) là một cách để giảm lượng khí thải carbon nhanh nhất. Trong đó, Đông Nam Á được xem là khu vực có nhiều tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất và tiêu thụ EV.
Một kiểu EV do Toyota sản xuất tại Indonesia.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, 20% tổng số phương tiện giao thông trong khu vực sẽ sử dụng điện vào năm 2025, thậm chí còn có nhiều tiềm năng phát triển hơn khi tổng dân số của khu vực là hơn 680 triệu người và tầng lớp trung lưu đang phát triển. Các nước Đông Nam Á đang thực hiện những bước đi phù hợp để xây dựng các ngành công nghiệp trong nước như một phần thiết yếu của hệ sinh thái EV.
Theo The Diplomat, thị trường pin EV ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dự kiến sẽ vượt 90 tỷ USD vào năm 2028. Khi các quốc gia như Mỹ tìm cách đa dạng chuỗi cung ứng các công nghệ mới nổi, Đông Nam Á trở thành một giải pháp thay thế hấp dẫn. Mặc dù gần 75% tổng số pin lithium-ion và 50% nguyên liệu tinh chế pin hiện có xuất xứ từ Trung Quốc, nhưng Indonesia có vị thế tốt để trở thành tâm điểm sản xuất pin với các mỏ niken, thiếc và đồng lớn nhất thế giới nằm ở quốc gia này.
Để đạt được mục tiêu, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi đất nước xây dựng một “hệ sinh thái công nghiệp cho pin lithium”. Năm 2020, chính phủ cấm xuất khẩu quặng niken để chuẩn bị cho nhu cầu gia tăng trong chuỗi cung ứng pin. Tháng 6-2022, Indonesia đã mở cơ sở sản xuất pin EV đầu tiên với các yếu tố hoàn toàn nội địa hóa ở Trung Java. LG và Hyundai Motors của Hàn Quốc gần đây cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy pin EV ở Indonesia với hy vọng bắt đầu sản xuất hàng loạt pin EV vào năm 2024.
Các công ty quốc tế khác cũng nhận thấy tiềm năng của Đông Nam Á. CATL của Trung Quốc và Foxconn có trụ sở tại lãnh thổ Đài Loan đều đang xem xét đầu tư vào các nỗ lực của Indonesia nhằm nâng cao năng lực sản xuất pin. Trong khi, Hong Seng và EoCell của Malaysia đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 6-2022 để phát triển một trung tâm sản xuất pin EV khu vực tại Malaysia. Ngoài ra, Indonesia đặt mục tiêu xuất khẩu 200.000 xe điện vào năm 2025, chiếm gần 20% tổng lượng xe xuất khẩu của nước này.
Bên cạnh đó, Đông Nam Á có lợi thế là các ưu đãi tài chính để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều quốc gia cũng đã đưa việc áp dụng và sản xuất EV vào các mục tiêu kinh tế và phát triển bền vững. Tại Thái Lan, chính phủ đã xác định EV là một trong 10 ngành công nghiệp nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước. Tháng 2 năm nay, Chính phủ Thái Lan đã thông báo sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với EV nhập khẩu, từ 8% xuống 2%.
Singapore đã thực hiện các biện pháp tương tự để khuyến khích EV trong nước. Năm 2021, Bộ Giao thông vận tải Singapore đã chi khoảng 31 triệu USD để giảm chi phí trả trước khi mua xe điện, dẫn đến tỷ lệ đăng ký xe điện tăng từ 0,2% năm 2020 lên 4,4% vào năm 2021. Cơ quan Giao thông vận tải đã thiết lập một mục tiêu đến năm 2030 sẽ lắp đặt 60.000 điểm sạc trên toàn đảo để đáp ứng nhu cầu dự kiến. Trong khi đó, tại Campuchia, chiến lược dài hạn về trung hòa carbon của nước này, cam kết sẽ có 40% ô tô và 70% xe máy lưu thông trên đường là EV vào năm 2050. Chính phủ cũng đã giảm thuế nhập khẩu đối với EV vào năm 2021 xuống còn khoảng 50%. thấp hơn so với các phương tiện truyền thống. Malaysia miễn thuế đường bộ cho chủ sở hữu EV và Philippines thực hiện đạo luật phát triển ngành công nghiệp xe điện miễn thuế thu nhập cho các nhà sản xuất xe điện từ 4-7 năm.