Pakistan: Nguy cơ thảm họa nhân đạo

08:40 - Thứ Tư, 21/09/2022 Lượt xem: 7878 In bài viết

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phải oằn mình gánh những khoản nợ khổng lồ, Pakistan lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới do lũ lụt gây ra. Theo thống kê, khoảng 1.559 người thiệt mạng, nhiều nhà cửa, phương tiện giao thông, mùa màng và gia súc bị cuốn trôi với thiệt hại ước tính 30 tỷ USD. Tình trạng thiếu thốn trong khi dịch bệnh có dấu hiệu phát sinh sau trận “hồng thủy” khiến người dân đứng trước nguy cơ thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất kể từ trước đến nay.

Lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề cho Pakistan ước tính khoảng 30 tỷ USD.

Báo cáo của Chính phủ Pakistan ngày 20-9 cho biết, trong vòng 48 giờ qua, đã có ít nhất 9 người tử vong vì viêm dạ dày, tiêu chảy và sốt rét. Kể từ khi lũ lụt xảy ra đến nay, đã có 318 người chết vì các bệnh tương tự. Hiện, hơn 72.000 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện dã chiến được thiết lập ở những vùng bị lũ lụt. Cơ quan chức năng dự đoán, công tác khắc phục hậu quả bước đầu của lũ lụt có thể lên đến 6 tháng. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo hiện có khoảng 3 triệu trẻ em tại Pakistan đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp do nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước, đuối nước và suy dinh dưỡng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 1.460 trung tâm y tế đã bị phá hủy, trong đó có 432 trung tâm bị nhấn chìm hoàn toàn trong nước lũ, phần lớn thuộc tỉnh Sindh ở Đông Nam Pakistan. Không chỉ gây thiệt hại về người, tài sản và nguy cơ dịch bệnh, lũ lụt còn đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia. Ước tính, 65% nông sản như gạo, lúa mì, bông đã bị nước cuốn trôi. Sindh, nơi cung cấp 1/4 sản lượng lương thực cho cả nước, là một trong những tỉnh hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Pakistan vốn đang "quay cuồng" với tình trạng nguồn dự trữ tiền tệ ngày càng cạn kiệt, lạm phát tăng nhanh nhất trong gần 5 thập kỷ và khủng hoảng cán cân thanh toán. Thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ nước ngoài của Pakistan lên tới mức 347,8 tỷ USD khiến nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, Pakistan sẽ đi vào vết xe đổ của Sri Lanka. Lũ lụt khiến hoa màu bị phá hủy, đời sống người dân càng lâm vào tình trạng tồi tệ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pakistan Miftah Ismail khẳng định, nước này sẽ không tuyên bố vỡ nợ bất chấp thảm họa lũ lụt, đồng thời cam kết tiếp tục thúc đẩy những biện pháp cải tổ nhằm ổn định nền kinh tế đang vật lộn với khó khăn. Hiện, Pakistan đã triển khai được chương trình cứu trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sau nhiều tháng chậm trễ. Những chính sách nhằm đưa đất nước thoát khỏi nợ nần được đánh giá là đúng tiến độ, trong đó có việc tăng khoản dự trữ ngoại tệ ít ỏi của Pakistan, hiện ở mức 8,6 tỷ USD. Số tiền trên sẽ giúp quốc gia Nam Á này khắc phục hậu quả của các đợt lũ lụt nghiêm trọng gây thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD.

Theo Phó Tổng Giám đốc IMF Antoinette Sayeh, việc tuân thủ lịch trình tăng thuế năng lượng và phí nhiên liệu đóng vai trò quan trọng vì nền kinh tế Pakistan bị ảnh hưởng bởi nhiều điều kiện bất lợi từ bên ngoài, như xung đột tại Ukraine và các thách thức trong nước, như những chính sách dẫn tới tăng trưởng thất thường và bất cân bằng.

Chính phủ Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp do mưa lũ và kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc cũng kêu gọi quyên góp khẩn cấp 160 triệu USD giúp những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của các trận lũ lụt đang tàn phá quốc gia Nam Á. Khoản quyên góp này sẽ được dùng vào việc hỗ trợ lương thực, nước sạch, hệ thống vệ sinh, giáo dục khẩn cấp, hỗ trợ y tế, giúp ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và các bà mẹ. Một số nước cũng đã gửi các chuyến hàng viện trợ cho Pakistan. Tuy nhiên, Pakistan cần nhiều nguồn tài trợ hơn nữa để vượt qua những khó khăn hiện nay.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top