An ninh năng lượng EU thêm rủi ro

15:14 - Thứ Sáu, 30/09/2022 Lượt xem: 5003 In bài viết

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Thụy Điển ngày 29-9 đã phát hiện sự cố rò rỉ khí thứ 4 trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 (Nord Stream 1 và 2). Điều này làm cho nguy cơ mất an ninh năng lượng tại Liên minh châu Âu (EU) càng thêm trầm trọng.

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: REUTERS/TTXVN

EU nghi ngờ có hành vi phá hoại đằng sau vụ rò rỉ khí đốt trên các đường ống dẫn dưới biển của Nga tới châu Âu và cam kết sẽ có phản ứng “mạnh mẽ” đối với bất kỳ sự cố ý làm gián đoạn cơ sở hạ tầng năng lượng nào của khối. Vụ rò rỉ mới nhất xảy ra trên đường ống Nord Stream 2, gần với một lỗ lớn hơn trên Nord Stream 1 gần đó. Theo CNN,  Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các nhà chức trách an ninh của Đức, Đan Mạch và các nước Bắc Âu khác đang kiểm tra các điểm rò rỉ và cố gắng xác định nguyên nhân. Cả hai đường ống đều không được sử dụng vào thời điểm xảy ra sự cố nhưng chứa đầy khí đốt nên làm rò rỉ khí đốt ra biển Baltic, từ sự cố đầu tiên hôm 26-9.

Nga đã đóng van đường ống Nord Stream 1 cách đây vài tuần với lý do bảo trì. Đức hủy bỏ đường ống Nord Stream 2 sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, ngay trước khi đường ống này đi vào hoạt động. Nord Stream 1 xây dựng năm 1997, hoạt động từ năm 2011 trong thời kỳ quan hệ tương đối êm ấm giữa phương Tây và Nga. Trong thập niên qua, đây là huyết mạch quan trọng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu, chiếm khoảng 35% tổng lượng khí đốt Nga mà châu Âu nhập vào năm 2021. Nord Stream 1 đưa dòng khí đến Đức đầu tiên. Nền kinh tế lớn nhất của khối EU đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt của Moscow. Nord Stream 2 dài 1.200km, hoàn thành vào tháng 9-2022, dự định cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm - hơn 50% lượng tiêu thụ hàng năm của Đức.

Theo cảnh báo của Tập đoàn Goldman Sachs, nếu không được chính phủ trợ giá, một gia đình điển hình ở EU vào đầu năm 2023 có thể phải đối mặt với hóa đơn năng lượng 500 EUR (480 USD)/tháng (tăng 200% so với năm 2021). Giá năng lượng tăng đang tiếp tục đẩy lạm phát lên cao (nhiều nước thành viên EU có tỷ lệ lạm phát gần 10%). 

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top