Lo ngại thiếu hụt sản lượng, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

14:58 - Thứ Sáu, 21/07/2023 Lượt xem: 4314 In bài viết

Chính phủ Ấn Độ ngày 20/7 (giờ địa phương) quyết định tạm dừng xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường, một động thái sẽ khiến giảm gần một nửa các chuyến hàng của nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được áp dụng ngay lập tức. Ảnh: Reuters

Theo thông báo của Bộ Lương thực Ấn Độ, lệnh cấm xuất khẩu được áp dụng ngay lập tức đối với các loại gạo trắng không phải gạo basmati ở mọi hình thức (gạo xay xát một phần hoặc toàn bộ, đã hoặc chưa đánh bóng), sau khi giá gạo bán lẻ trong nước tăng 3% trong một tháng do mưa lớn kéo dài gây thiệt hại đáng kể.

“Nhằm đảm bảo có đủ gạo trắng không phải gạo basmati tại thị trường Ấn Độ và ngăn chặn đà tăng giá ở thị trường nội địa, chính phủ Ấn Độ đã sửa đổi chính sách xuất khẩu”, Bộ Lương thực Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố, trích dẫn mức tăng 11,5% trong giá bán lẻ trong 12 tháng qua.

Ấn Độ cung cấp hơn 40% gạo xuất khẩu trên thế giới. Trong khi đó, gạo trắng không phải gạo basmati chiếm từ 25-30% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Reuters nhận định, bất kỳ sự cắt giảm xuất khẩu nào của Ấn Độ cũng có thể làm tăng giá lương thực do tác động của xung đột Nga-Ukraine và thời tiết thất thường.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ B.V. Krishna Rao, việc ban hành lệnh cấm đột xuất có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khách hàng quốc tế khi họ chưa thể tìm được nhà cung cấp thay thế, trong đó khách hàng tại châu Phi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định này.

Trên thực tế, các diễn biến thời tiết không thuận trong vụ lúa xuân hè đã thúc đẩy chính phủ Ấn Độ đi tới quyết định này. Mùa mưa đến muộn dẫn tới tình trạng thiếu hụt lượng lớn nước mưa cần thiết cho vụ mùa tại Ấn Độ tính đến tháng 6. 

Ngay sau đó, mưa lớn xuất hiện liên tục ở các vùng phía Bắc của Ấn Độ trong vài tuần qua đã tàn phá những thửa ruộng mới cấy ở các bang Punjab và Haryana, ảnh hưởng nghiêm trọng tới mùa màng.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top