Chỉ huy hậu cần khối NATO muốn thiết lập cơ chế di chuyển quân sự tự do ở châu Âu, tương tự Hiệp ước Schengen về tự do đi lại đối với công dân.
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters ngày 23/11, người đứng đầu Bộ Chỉ huy hậu cần khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Alexander Sollfrank tại châu Âu cho biết, các trở ngại trong việc di chuyển lực lượng ở châu Âu có thể khiến NATO phản ứng chậm chạp trong trường hợp xung đột nổ ra.
Ông Sollfrank khẳng định việc NATO có thể thiết lập một khối "Schengen quân sự", tương tự Hiệp ước Schengen về tự do đi lại giữa các quốc gia châu Âu thành viên, sẽ giúp lực lượng của NATO di chuyển không bị hạn chế trên hầu khắp lục địa châu Âu.
"Chúng ta sắp hết thời gian. Những gì chúng ta không làm được trong thời bình sẽ khiến chúng ta không sẵn sàng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hoặc xung đột", quan chức NATO nêu.
Theo chỉ huy hậu cần NATO ở châu Âu, khối cũng cần thiết lập thêm những nhà kho để chứa đạn dược, nhiêu liệu, phụ tùng và vật tư để đảm bảo hậu cần trong điều kiện cần thiết.
Các nước NATO ở châu Âu và Nga chưa bình luận về phát ngôn nêu trên. Các quy định hiện nay yêu cầu lực lượng của NATO phải tuân thủ quy định chung của khối cũng như quy định của từng quốc gia trong trường hợp di chuyển vũ khí hoặc nhân lực.
Reuters thông tin, sườn phía Đông của NATO hiện có biên giới dài khoảng 4.000km. Vào năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ngoại trưởng Mỹ James Bakercam kết với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng NATO sẽ không mở rộng "một inch" nào về phía Đông xa hơn biên giới Đức.
Việc NATO đảo ngược lời hứa và kết nạp 3 nước vùng Baltic, 4 nước thuộc Nam Tư cũ cùng Thụy Điển và Phần Lan khiến Nga nhiều lần phản đối. Thái độ quyết liệt muốn gia nhập NATO của Ukraine là một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến dịch quân sự hiện nay của Moscow.