WHO: Số người hút thuốc lá trên toàn thế giới đang giảm dần

15:39 - Thứ Tư, 17/01/2024 Lượt xem: 3727 In bài viết

Số người sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các công ty sản xuất thuốc lá hiện đang cố tìm cách đảo ngược xu hướng này thông qua việc tạo ra các rào cản đối với việc loại bỏ thuốc lá và các sản phẩm tương tự khác.

Đây là đánh giá được nêu lên trong một báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố ngày 16/1. Kết quả phân tích cho thấy, trong năm 2022, có khoảng 1/5 người trưởng thành trên toàn thế giới sử dụng thuốc lá, trong khi tỷ lệ này vào năm 2000 là 1/3.

Tuy nhiên, trước xu hướng sử dụng thuốc lá giảm dần nói trên, WHO cảnh báo số ca tử vong liên quan đến thuốc lá có thể vẫn ở mức cao. Cơ quan này cũng lo ngại về tình trạng sử dụng thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử trong giới trẻ.

Trong một tuyên bố vào tháng trước, WHO kêu gọi các chính phủ đối xử với thuốc lá điện tử tương tự như thuốc lá và cấm thuốc lá điện tử ở tất cả các hương vị.

Thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác đều gây hại với sức khỏe con người

Ảnh minh họa: Unsplash/Andres Siimon  

Trong khi hút thuốc lá là hình thức sử dụng thuốc lá phổ biến nhất trên toàn thế giới, thì các sản phẩm khác bao gồm xì gà, thuốc lào và các sản phẩm thuốc lá không khói cũng đều có hại đối với sức khỏe con người.

Theo WHO, “đại dịch thuốc lá” là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới từng phải đối mặt, giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm. Hơn 7 triệu ca tử vong trong số này là hậu quả của việc sử dụng thuốc lá trực tiếp, trong khi có tới 1,3 triệu người khác chết do tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Tính toán mới nhất của WHO cho thấy, hiện đang có 1,25 tỷ người sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới. Điều đó cho thấy, 150 quốc gia thành viên của WHO đang đạt được những thành công nhất định trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc ở những người từ 15 tuổi trở lên.

Các ví dụ bao gồm Brazil và Hà Lan, những quốc gia đang nhận thấy lợi ích từ việc triển khai sáng kiến có tên MPOWER, tập trung vào sáu biện pháp kiểm soát thuốc lá bao gồm: bảo vệ, thực thi các lệnh cấm quảng cáo và tài trợ, tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá và hỗ trợ mọi người bỏ thuốc lá.

Kết quả là Brazil đã giảm tương đối 35% người hút thuốc lá kể từ năm 2010, trong khi Hà Lan đang tiến gần tới mục tiêu 30%.

Tăng cường các chính sách kiểm soát, chống lại “sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá”

Tiến sĩ Ruediger Krech, Giám đốc bộ phận nâng cao sức khỏe của WHO đã lên tiếng hoan nghênh những “tiến bộ” đạt được cho đến nay trong việc kiềm chế số người hút thuốc lá, song cảnh báo chúng ta không nên tự mãn với kết quả này.

“Tôi ngạc nhiên trước việc ngành công nghiệp thuốc lá theo đuổi lợi nhuận với cái giá phải trả là vô số sinh mạng. Chúng tôi nhận thấy rằng ngay cả khi chính phủ các nước cho là họ đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại thuốc lá thì ngành công nghiệp thuốc lá đã nắm bắt cơ hội để thao túng các chính sách y tế và bán các sản phẩm chết người của họ” – ông Krech nói.

Từ thực tế nêu trên,  WHO kêu gọi tất cả các nước duy trì và tăng cường các chính sách kiểm soát, cũng như chống lại “sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá”.

Theo số liệu từ WHO, Đông Nam Á hiện có tỷ lệ dân số sử dụng thuốc lá cao nhất với 26,5%, theo sau là châu Âu với 25,3%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở phụ nữ ở châu Âu cao hơn gấp đôi mức trung bình toàn cầu và đang giảm chậm hơn nhiều so với tất cả các khu vực khác.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ít thay đổi kể từ năm 2010 ở một số quốc gia, song lại đang gia tăng ở 6 quốc gia  gồm: Congo, Ai Cập, Indonesia, Jordan, Oman và Moldova.

WHO cho biết thế giới đang trên đà đạt được mức giảm tương đối 25% số người sử dụng thuốc lá vào năm 2025, tuy nhiên, mức giảm này vẫn chưa tương xứng với mục tiêu toàn cầu tự nguyện là giảm 30% số người dùng thuốc lá so với mức cơ bản năm 2010.

Theo WHO, hiện chỉ có 56 quốc gia thành viên được dự báo là đạt được mục tiêu này, giảm so với con số 60 quốc gia kể từ báo cáo cuối cùng được đưa ra cách đây ba năm.

Với những nhiệm vụ nặng nề phía trước, WHO kêu gọi các nước tăng cường hành động, đồng thời lưu ý rằng những nỗ lực bảo vệ chính sách y tế khỏi sự can thiệp ngày càng tăng của ngành công nghiệp thuốc lá đang có dấu hiệu chững lại trên khắp thế giới.

Cơ quan này cho biết các cuộc khảo sát quốc gia liên tục cho thấy trẻ em từ 13 đến 15 tuổi ở hầu hết các quốc gia đang sử dụng thuốc lá và các sản phẩm chứa nicotin như thuốc lá điện tử.

Theo WHO, đây là điều đáng quan ngại và theo những người trẻ tuổi thì họ thường xuyên sử dụng các sản phẩm này, dễ dàng mua chúng và ít lo ngại việc có thể nghiện. Chính vì vậy, việc thu thập dữ liệu của thanh thiếu niên là biện pháp mạnh mẽ nhất để chống lại ngành thuốc lá và đưa ra các chính sách hiệu quả nhằm ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng thuốc lá./.

Theo Dangcongsan
Bình luận

Tin khác

Back To Top