Rộn ràng những cuộc thi văn chương

10:03 - Thứ Hai, 01/04/2024 Lượt xem: 6162 In bài viết

Trong những năm gần đây, nhiều cuộc thi được tổ chức đã góp phần tạo luồng sinh khí cho hoạt động sáng tạo văn chương.

Thông qua những cuộc thi này, không ít cây bút đã được phát hiện, bồi dưỡng để tiến xa hơn.

Một số tác giả được trao giải cuộc thi sáng tác văn học về Cảnh sát cơ động.

Nhiều cuộc chơi, nhiều cơ hội

Vừa qua, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Lực lượng Cảnh sát cơ động (15/4/1974 - 15/4/2024), Bộ Công an đã tổng kết, trao giải các cuộc thi, trại sáng tác và khai mạc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về Cảnh sát cơ động. Trong đó, có cuộc thi viết và trại sáng tác văn học, đã trao giải cho gần 40 tác giả trong và ngoài lực lượng công an.

Trong 20 năm qua, ngoài NXB Công an nhân dân thường xuyên tổ chức cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, Chi hội Nhà văn Công an cũng liên tục tổ chức giải thưởng "Cây bút vàng". Ba năm trở lại đây, Bộ Công an có nhiều cuộc thi viết về lực lượng công an nhân dân, cảnh vệ, cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cảnh sát ở cơ sở.

Với Hội Nhà văn Việt Nam, ngoài giải thưởng thường niên, năm 2022 đã phát động cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi gồm cả thơ và văn xuôi. Cách đây không lâu, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng văn học, Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2023 và tổng kết đợt 1 Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi. Theo đó, 16 tác giả, tác phẩm đã được vinh danh và giải nhất thuộc về bản thảo văn xuôi "Mèo sinh ra đâu phải chỉ bắt chụp" của tác giả Dương Thị Thảo Nguyên.

Ngoài ra, Báo Văn nghệ (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức Lễ phát động Cuộc thi truyện ngắn năm 2022 - 2024. NXB Kim Đồng cũng tổ chức Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025.

Ở các địa phương cũng đang diễn ra nhiều cuộc thi viết như Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình đã phát động cuộc thi thơ, truyện ngắn, ký văn học mang tên "Những làn gió Tây Bắc" lần thứ II; Tạp chí Xứ Thanh (Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa) phối hợp cùng Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En phát động cuộc thi "Thơ Thanh Hóa" năm 2024; Cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế); Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết của Thời báo Văn học Nghệ thuật... Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân cũng tổ chức các cuộc thi như Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Đường Văn, Giải thưởng văn học Sáng tác mới San Hô lần thứ I, Cuộc thi sáng tác "Văn chương phương Nam"...

Phải đúng nghĩa là bồi dưỡng tài năng

Nhà văn Trương Anh Quốc, tác giả đạt giải Nhất cuộc thi "Văn học tuổi 20" năm 2010 với tiểu thuyết “Biển”, chia sẻ: “Qua các cuộc thi rất nhiều cây bút được phát hiện, bồi dưỡng để từ đó có động lực phát triển, gắn bó hơn với con đường văn chương”.

Đồng quan điểm, nhà văn Tống Phước Bảo, người có duyên và trong 10 năm cầm bút đã có được một "tay nải" kha khá tầm 20 giải thưởng lớn nhỏ, bày tỏ: “Bây giờ nhiều cuộc thi được tổ chức trên các báo lớn, báo ngành, tạp chí rồi các diễn đàn văn chương mạng. Đó là sân chơi cho cộng đồng người cầm bút mà chúng ta nên tận dụng, phát huy. Tuy nhiên là người viết, bản thân chúng ta phải tự biết rằng, đó là những cuộc bồi dưỡng tài năng và giải thưởng là một động lực để mình phấn đấu chứ không phải ảo tưởng để rồi chết trong ảo tưởng đó”.

Các giải thưởng, cuộc vận động sáng tác cũng là nơi tìm kiếm, thúc đẩy và cổ vũ các tác giả sáng tác, đặc biệt với những mảng đề tài còn ít được quan tâm như văn học cho thiếu nhi. Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết, những giải thưởng được thành lập với mong muốn phát hiện thêm những cây bút mới viết cho thiếu nhi, có thêm các tác phẩm văn học mới có chất lượng, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về con người, đất nước Việt Nam.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định, đối với các giải thưởng, cuộc thi của Hội Nhà văn Việt Nam, các tác giả đoạt giải thưởng đã mang đến cho đời sống văn chương một tinh thần mới, một diện mạo mới, một con đường mới. Các tác giả đều là những người bản lĩnh, dám vượt qua cái cũ kỹ, lối mòn, bức tường của quá khứ để tìm cho mình một lối đi riêng “chạm” vào trái tim bạn đọc. Khuynh hướng chủ đạo của các sáng tác văn học Việt Nam trong năm 2024 vẫn là các nhà văn tạo ra niềm tin cho con người trong đời sống đầy thách thức hiện nay. Các nhà văn phải đi tìm những vẻ đẹp, niềm hy vọng lớn lao ẩn khuất trong mọi mặt của đời sống xã hội để thể hiện trong tác phẩm của mình.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top