“Mật lệnh hoa sữa” vì tình yêu Hà Nội

14:36 - Thứ Hai, 09/09/2024 Lượt xem: 3469 In bài viết

"Mật lệnh hoa sữa” là bộ phim truyền hình thuộc dự án phim “Vì tình yêu Hà Nội” dự kiến phát sóng chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Mới đây, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã tổ chức sự kiện casting phim “Hà Nội trong mắt em” và sau đó tiếp tục tổ chức buổi tuyển chọn diễn viên cho bộ phim “Mật lệnh hoa sữa”.

Hai sự kiện này đánh dấu việc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tái khởi động mảng sản xuất phim truyền hình và điện ảnh, đồng thời cũng góp thêm những tác phẩm nghệ thuật mới lấy cảm hứng từ đất và người Thủ đô trong cuộc sống hiện đại.

NSƯT Đức Khuê và diễn viên Hoàng Xuân tham gia casting phim “Mật lệnh hoa sữa”.

Góc nhìn đa chiều về nhịp sống Thủ đô

Kịch bản phim “Mật lệnh hoa sữa” được chuyển thể từ hai truyện ngắn “Đối mặt” và “Người tù của ngày xưa” của Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, đề cập một chuyên án của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hà Nội. Bên cạnh câu chuyện phá án, những hy sinh thầm lặng, bộ phim mong muốn mang đến cái nhìn đa chiều về hình ảnh người chiến sĩ công an thông qua việc khai thác những chi tiết đời sống, qua đó thấy được hình ảnh một người Hà Nội với đầy đủ những phẩm chất trí tuệ, tài hoa, nhân ái, tràn đầy tình yêu với thành phố và con người nơi đây.

“Mật lệnh hoa sữa” cũng là bộ phim truyền hình đầu tay của đạo diễn Nguyễn Tất Kiên. Là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng thực hiện series phim truyền hình thực tế “Tôi yêu Hà Nội” nhưng với đạo diễn Nguyễn Tất Kiên, bộ phim hình sự tái hiện góc nhìn đa chiều về nhịp sống Hà Nội cũng là một thách thức không nhỏ. Với thể loại hình sự, người đạo diễn không có nhiều đất để khoe bối cảnh Hà Nội, thay vào đó là những màn đấu trí, rượt đuổi, những âm mưu, toan tính và tội ác. “Việc khoe những bối cảnh hoặc là làm thế nào trong phim có được một Hà Nội thật đẹp, thật bắt mắt người xem thì khó, rất khó cho chúng tôi. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng bất cứ lúc nào có thể ghi được hình ảnh đẹp của Hà Nội, từ những góc máy khuôn hình được đầu tư, và từ những thiết bị flycam ở tầm cao để cho thấy Hà Nội giờ đã thực sự phát triển, nhưng vẫn là Hà Nội nghìn năm văn hiến với những danh lam cổ kính, trầm mặc” - đạo diễn Nguyễn Tất Kiên nói.

Khi nói về Hà Nội, người ta sẽ nghĩ ngay đến đất và người nơi đây, với chiều sâu lịch sử, văn hóa của chốn kinh kỳ, Kẻ Chợ, gắn liền với sự lãng mạn, hào hoa, thanh lịch, kiên cường. Trong khi đó, một bộ phim hình sự lại đòi hỏi những câu chuyện chân thực, gai góc về đề tài lực lượng vũ trang cùng những chiến công thầm lặng của họ. Nhạc sĩ Tiến Minh cho biết: Trước đây anh từng viết những ca khúc nhạc phim về cuộc sống, tâm hồn người Hà Nội. Còn phim “Mật lệnh hoa sữa” với những tính chất đặc thù của ngành, nghề của lực lượng vũ trang gắn với mảnh đất Hà Nội thì cái khó chồng cái khó. Viết nhạc cho những bộ phim tâm lý xã hội thông thường, anh có thể khai thác từ những góc nhìn khác nhau.

Còn “Mật lệnh hoa sữa” sẽ là góc nhìn trực diện của lực lượng vũ trang về mảnh đất, con người Hà Nội, và ngược lại, con người nơi đây nhìn nhận về lực lượng vũ trang như thế nào. “Mật lệnh hoa sữa” là cái tên rất gợi, rất cụ thể về Hà Nội, một hình ảnh rất nhẹ nhàng, nhưng cũng bao hàm những tâm thức nhất định của lực lượng vũ trang. “Mật lệnh” không chỉ là những quy tắc được ấn định một cách rõ ràng. “Mật lệnh hoa sữa” còn bao hàm nét văn hóa, gốc gác của vùng đất này. Tôi đã có những phác họa ban đầu về ca khúc cho bộ phim” - nhạc sĩ Tiến Minh nói.

Góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa

Thủ đô Hà Nội với hơn 1.000 năm lịch sử đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, với những tác phẩm để đời của biết bao văn nhân, trí thức. Riêng với điện ảnh, đã có không ít bộ phim đề cập nhiều khía cạnh đời sống, văn hóa, từ quá khứ đến hiện tại. Như một sự tiếp nối dòng chảy văn hóa, nghệ thuật, hai tác phẩm điện ảnh, truyền hình của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội với kỳ vọng sẽ góp thêm một tiếng nói trong lĩnh vực nghệ thuật thứ Bảy, chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Bà Trần Thái Thủy, Giám đốc Trung tâm Điện ảnh và Truyền hình Hà Nội cho biết: “Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội khi quyết định triển khai sản xuất series phim “Vì tình yêu Hà Nội” chỉ có một suy nghĩ giản dị, mộc mạc và trực diện như chính tên gọi của dự án phim. Mỗi người trong chúng ta đang sinh sống ở Hà Nội, có người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, được Hà Nội nuôi dưỡng, có người từ phương xa về đây lập nghiệp và xây dựng Thủ đô, nhưng tất cả có một điểm chung là tình yêu lớn lao đối với mảnh đất này. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội là một cơ quan văn hóa của Thủ đô, vì vậy, không có lý do gì lại không trở thành một phần trong sự phát triển của văn hóa Hà Nội, đóng góp vào sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô, trong đó có ngành công nghiệp điện ảnh còn nhiều tiềm năng khai phá”.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là tiền đề quan trọng đề các cơ quan văn hóa của Thủ đô nỗ lực phát triển, xây dựng thêm các chương trình có giá trị sâu sắc và bền vững. 40 tập phim “Mật lệnh hoa sữa” cùng với 40 tập phim “Hà Nội trong mắt em” trong dự án phim “Vì tình yêu Hà Nội” cũng không nằm ngoài mục đích này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top