Kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh than trên người

18:56 - Thứ Bảy, 03/06/2023 Lượt xem: 6480 In bài viết

ĐBP - Từ ngày 05/5/2023 đến ngày 30/5/2023 trên địa bàn huyện Tủa Chùa ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than trên người. Các trường hợp trên đều tiếp xúc và sử dụng thực phẩm từ gia súc mắc bệnh đã chết. Trước nguy cơ dịch bệnh lây lan, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Biểu hiện bệnh than trên cơ thể người bệnh tại huyện Tủa Chùa.

Liên tiếp xuất hiện các ổ dịch

Ngày 19/5, ông G.A.S., thôn Pàng Dề A (xã Xá Nhè) đến khám tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tủa Chùa. Trước đó 10 ngày, ông S. có biểu hiện sưng đau, nổi mụn nước ở bàn tay phải, mụn nước sau đó vỡ tạo thành vết loét màu đen, phù nề. Sau khi nhập viện và qua 5 ngày điều trị, sức khỏe ông S. đã ổn định và được xuất viện. Tuy nhiên, liên quan đến trường hợp của ông S., ghi nhận thêm 3 trường hợp có triệu chứng, biểu hiện tương tự.

Sau trường hợp của ông S., ổ dịch thứ 2 được ghi nhận vào ngày 27/5, khi TTYT huyện Tủa Chùa tiếp tục tiếp nhận, điều trị bệnh than cho 1 bệnh nhân là Q.V.L., thôn Phiêng Quảng (xã Xá Nhè). Ông L. cũng có biểu hiện bệnh là mụn nước tại mu bàn tay phải vỡ tạo thành vết loét màu đen. Ngoài bệnh nhân L. còn ghi nhận thêm 3 trường hợp tiếp xúc gần có mụn nước, vết loét tương tự.

Ổ dịch thứ 3 được ghi nhận ngày 25/5, ông M.A.T., bản Háng Trở 1 (xã Mường Báng) bị mọc mụn nước ở mặt ngoài cẳng tay trái. Sau khi đến khám, điều trị tại TTYT huyện Tủa Chùa và được chẩn đoán theo dõi bệnh than thể ngoài da. Liên quan đến trường hợp này, 4 người cùng tham gia mổ bò cùng ông T. cũng có bọng nước và vết loét tương tự.

Cán bộ y tế rà soát các trường hợp tiếp xúc gần người bệnh tại xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa.

Bác sĩ Điêu Chính Thanh, Giám đốc TTYT huyện Tủa Chùa cho biết: Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do trực khuẩn than (Bacillus anthrasis). Ở môi trường bên ngoài, trực khuẩn tạo bào tử và bào tử B.anthracis rất bền vững trong cả điều kiện môi trường khắc nghiệt, trực khuẩn có thể sống sót trong đất nhiều năm, bào tử than có thể tồn tại trong đất 5 - 10 năm. Bệnh than thường xảy ra đối với những người có liên quan đến công việc chăn nuôi và giết thịt động vật ăn cỏ, nhân viên thú y... Bệnh lây truyền qua da người là do tiếp xúc với xác của động vật mắc bệnh than, do hít phải bào tử vi khuẩn, ăn phải thịt động vật bị nhiễm khuẩn. Bệnh than có các biểu hiện thể bệnh da, thể phổi và thể ruột. Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da nếu không được điều trị từ 5 - 20%.

Trước những nguy hại của bệnh than và để kiểm soát dịch bệnh, ngay khi tiếp nhận, điều trị cho 3 trường hợp bệnh nhân trên, TTYT huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo y tế cơ sở điều tra nguyên nhân gây bệnh, tổng hợp tình hình dịch bệnh. Xác minh ban đầu cho thấy, cả 3 bệnh nhân đều tham gia mổ, chế biến, ăn thịt số trâu, bò chết không rõ nguyên nhân tại bản Pàng Dề A (xã Xá Nhè). Qua quá trình điều tra, cơ quan y tế ghi nhận tại 3 ổ dịch trên đã có 13 người mắc bệnh than thể da.

Khống chế, dập dịch bệnh than

Những ngày dịch bệnh than xảy ra đúng vào đợt nắng nóng cao điểm, dưới nhiệt độ gay gắt, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và TTYT huyện Tủa Chùa đội nắng đến cơ sở. Những giọt mồ hôi ướt thẫm áo không hề ảnh hưởng đến không khí làm việc của cả đội. Các công việc được triển khai đồng bộ, nhanh chóng như: Lập danh sách các trường hợp có triệu chứng mắc bệnh than đề nghị đến điều trị tại các cơ sở y tế; lấy mẫu xét nghiệm những người nghi mắc bệnh than, tiếp xúc gần; lấy mẫu thịt trâu, bò và mẫu đất tại hộ gia đình có người mắc bệnh than. Sau thời gian làm việc tích cực, các cán bộ y tế đã thực hiện lấy tổng số 86 mẫu bệnh phẩm; trong đó, 78 mẫu bệnh phẩm người, 2 mẫu thịt trâu, bò và 6 mẫu đất tại các hộ gia đình mổ, thịt trâu, bò; xác minh rõ 132 người tiếp xúc gần, có tham gia chế biến, ăn thịt trâu, bò cùng các bệnh nhân.

Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn xã Xá Nhè thực hiện phòng, chống dịch bệnh.

Để khống chế, dập dịch bệnh than, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai kịp thời công tác phòng chống dịch; tập trung triển khai các hoạt động chuyên môn, huy động nhân lực, phương tiện, vật tư, hóa chất, thuốc chống dịch, theo dõi và điều trị những người mắc bệnh. Triển khai thực hiện, đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (gồm 2 cán bộ dịch tễ và 1 cán bộ xét nghiệm) đã phối hợp với TTYT huyện Tủa Chùa tiến hành điều tra, xác minh tình hình dịch bệnh và hướng dẫn ngành y tế địa phương cùng các đơn vị liên quan triển khai ngay các biện pháp như: Tổ chức phun khử trùng bằng Cloramin B tại khu vực chuồng trại chăn nuôi, nơi giết mổ và các hộ gia đình xung quanh; theo dõi danh sách các trường hợp liên quan và cấp phát, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc kháng sinh dự phòng; ngành thú Y tổ chức kiểm soát dịch bệnh trên động vật, tiêu huỷ thịt trâu, bò bị bệnh theo quy định. Cùng với đó, tổ chức các hoạt động truyền thông, thông tin về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh; khuyến cáo người dân không tham gia giết mổ, chế biến, mua bán thịt trâu bò bị bệnh nhiệt than.

Bác sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Với các giải pháp tích cực triển khai, đến thời điểm này, dịch bệnh than trên địa bàn Tủa Chùa cơ bản được khống chế, không có hiện tượng lây lan. Các trường hợp mắc bệnh than tại địa phương sức khỏe đã dần ổn định, hiện chỉ còn 2 bệnh nhân đang điều trị tại TTYT huyện và không phát hiện bệnh nhân mắc mới. Tuy nhiên, để công tác phòng chống dịch bệnh than được hiệu quả, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp như: Không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh hoặc chết chưa rõ nguyên nhân; khi gia súc mắc bệnh phải tiêu hủy và chôn xa nơi ở theo hướng dẫn của ngành thú y; sau khi tiếp xúc với vật nuôi phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước. Đặc biệt, khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, phải kịp thời đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, chăm sóc và điều trị. 

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top