Dân với Đảng

Nghe dân nói

08:42 - Thứ Tư, 19/01/2022 Lượt xem: 3559 In bài viết

ĐBP - Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người đại biểu. Thông qua cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đại biểu gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri nơi bầu mình thu thập lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri để chuyển đến Hội đồng Nhân dân, các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Trên thực tế đại biểu làm tốt vai trò của mình, việc tiếp xúc cử tri hiệu quả sẽ giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, ý kiến chính đáng của cử tri ở cơ sở, hạn chế được bức xúc hoặc tình trạng khiếu kiện, đơn thư vượt cấp... Một mặt góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương, mặt khác nâng cao vai trò, vị trí của người đại biểu cũng như hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân các cấp.

Để làm tròn trọng trách của người đại biểu, điều quan trọng đầu tiên trong mỗi cuộc tiếp xúc tại cơ sở là đại biểu phải lắng nghe dân nói. Việc nghe dân nói và nghe như thế nào là cả một nghệ thuật đòi hỏi cái tâm và sự nhiệt huyết của chính đại biểu chứ không phải là nghe hời hợt, nghe cho có. Đại biểu cũng cần nắm chắc thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, điều kiện đặc thù của địa bàn, những vấn đề bức xúc ở cơ sở nơi mình xuống tiếp xúc và có sự chuẩn bị chu đáo cho các tình huống phát sinh, giải đáp các thắc mắc của cử tri không bị lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu.

Nghe dân nói cũng là một kỹ năng đòi hỏi mỗi đại biểu phải biết trau dồi. Mỗi cuộc tiếp xúc đều đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu. Do đó, ngoài thông báo, lắng nghe, đại biểu phải quan tâm định hướng, gợi mở vấn đề, tạo điều kiện cho cử tri phát biểu. Điều cử tri mong đợi sau mỗi lần đại biểu xuống cơ sở là lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, những kiến nghị thắc mắc của cử tri để yêu cầu, đôn đốc cơ quan chức năng kịp thời giải quyết hoặc có câu trả lời rõ ràng. Những việc khó, những vấn đề nào chưa thể giải quyết ngay được, đòi hỏi có thời gian, cần nhiều nguồn lực thì phải giải thích rõ ràng với cử tri. Ví dụ như điểm nghẽn trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, môi trường, chi trả chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Đại biểu cũng phải theo sát, đôn đốc đến khi vấn đề được giải quyết thấu đáo. Nhất là những vấn đề bức xúc, chính đáng cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn tồn tại chưa được giải quyết thỏa đáng...

Bình Nguyên
Bình luận

Tin khác

Back To Top