Phục vụ nhân dân, doanh nghiệp - vì sự phát triển

00:20 - Thứ Ba, 25/01/2022 Lượt xem: 4627 In bài viết

ĐBP - Năm Nhâm Dần 2022 đã đến, trong không khí mừng Đảng, mừng xuân của cả nước, nhân dân các dân tộc Điện Biên chào đón năm mới với nhiều niềm tin, sự kỳ vọng. Năm qua, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng Điện Biên vẫn vượt qua khó khăn, giành được những thành tựu vượt bậc. Tiếp đà thắng lợi trong khí thế mới, người dân tiếp tục gửi gắm niềm tin vào cấp ủy Đảng, bộ máy hành chính tỉnh nhà, cán bộ chính quyền địa phương, sở ngành nêu cao quyết tâm phục vụ doanh nghiệp, phục vụ Nhân dân - vì một Điện Biên phát triển mạnh mẽ trong năm mới.

Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ

Phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp

Những năm gần đây, TP. Điện Biên Phủ luôn được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh quan tâm, tạo điều kiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh. Mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19, song năm 2021 được xem là năm đánh dấu bước ngoặt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc thành phố khi tập trung triển khai thực hiện tốt các công trình trọng điểm, như: Dự án Đường 60m; Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung... Đặc biệt là thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Khi bắt tay vào thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên gặp vô vàn khó khăn, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo Dự án tỉnh, UBND tỉnh; cấp ủy, chính quyền thành phố cũng như các tổ chức, đơn vị liên quan đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách; xem xét thấu đáo để kịp thời giải quyết chế độ, chính sách… giúp người dân hiểu và đồng thuận bàn giao mặt bằng cho dự án. Nhờ đó công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện khá suôn sẻ, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của tỉnh.

Việc thực hiện thành công các dự án trọng điểm triển khai trên địa bàn thành phố đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội  của địa phương. Tổng giá trị xây dựng cơ bản trên địa bàn trong năm 2021 ước đạt 5.595 tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 360 tỷ đồng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giáo dục, y tế, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 1,78%.

Thời gian tới TP. Điện Biên Phủ tiếp tục thu hút, mời gọi; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư nhằm mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển của thành phố và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban ngành tỉnh trong nhiều lĩnh vực, tin rằng TP. Điện Biên Phủ sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Tú Trinh (ghi)

Ông Lê Đình Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ

Vì sự hài lòng của người dân

Nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước, những năm gần đây chỉ số CCHC của tỉnh đều có sự thăng hạng trên bảng xếp hạng toàn quốc. Năm 2020, tỉnh ta đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố với tổng số điểm 84,69 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2019. Năm 2021, UBND tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch công tác CCHC của tỉnh. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực, chủ động trong công tác rà soát thủ tục hành chính, kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoặc thay thế các văn bản cũ không còn phù hợp. Việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại các cơ quan đơn vị hành chính được duy trì, đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân khi đến giao dịch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được các cấp, các ngành quan tâm. Đặc biệt là trong năm 2021, tỉnh ta tổ chức khảo sát và công bố chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Từ đó các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rút kinh nghiệm, triển khai có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh công tác CCHC nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, tổ chức.

Thời gian tới, để làm tốt hơn nữa công tác CCHC, tỉnh ta sẽ tập trung thực hiện tốt các mục tiêu đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan, đơn vị và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Đề án Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương.

Lan Phương (ghi)

Ông Vì A Hao, người có uy tín thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa

Quan tâm đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) vùng cao đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách thiết thực. Tiêu biểu là việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; chính sách vay vốn, hỗ trợ cây con giống; hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao… Đã giúp bà con xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống.

Từ nguồn vốn các Chương trình 30a, 135/CP, chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình thủy lợi, giao thông, giáo dục, nhà văn hóa... tại địa bàn vùng cao được xây dựng. Đặc biệt thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu đãi cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ giống và kỹ thuật, giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều lao động người DTTS được tham gia các lớp dạy nghề, sau khi học nghề được vay vốn đầu tư, phát triển sản xuất đã tạo thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững. Bà con vùng cao rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ, giúp thay đổi tư duy sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS.

Trong năm 2022, người dân chúng tôi mong muốn sẽ có thêm chính sách, chương trình thiết thực, hiệu quả đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, giúp những hộ còn nhiều khó khăn có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuệ Linh (ghi)

Ông Nguyễn Duy Tiến, cán bộ hưu trí tổ dân phố 1, phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ

“Ý Đảng - lòng dân” trong cuộc chiến Covid-19

Có thể nói dịch bệnh Covid-19 như một “trận cuồng phong” càn quét qua hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tại tỉnh Điện Biên, riêng trong năm 2021 đã phát sinh 3 đợt dịch Covid-19, với nhiều ca bệnh mắc mới trong cộng đồng, đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo trộn cuộc sống của người dân cũng như làm thay đổi quan điểm sống của nhiều người.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng chống, kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng. Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, tính mạng con người là trên hết, công tác phòng chống dịch được triển khai đồng bộ, chủ động, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương, phù hợp tình hình của tỉnh.

Trong dịch bệnh, truyền thống đoàn kết, “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta tiếp tục được phát huy cao độ. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã quyên góp, ủng hộ cả vật chất và tinh thần để chống dịch. Với sự đoàn kết, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh, chúng ta đã kiểm soát, ngăn chặn tốt dịch Covid-19 đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân; các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình hiện nay, tôi mong tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách, chỉ đạo của Trung ương, không được chủ quan lơ là. Mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.

Thu Phương (ghi)

Bình luận

Tin khác

Back To Top