Chung tay nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam

14:39 - Thứ Năm, 17/02/2022 Lượt xem: 4329 In bài viết

Sáng 17/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính-Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự có Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Theo điều tra khảo sát bom mìn, trước khi ban hành Chương trình hành động quốc gia thì mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước. Giai đoạn 2010-2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật liệu nổ được 485.000ha (trung bình đạt gần 50.000ha, tăng 35% so giai đoạn trước) với ngân sách 12.614 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài là 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD).

Như vậy, tính đến nay, diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban Chỉ đạo, Bộ Quốc phòng-Cơ quan thường trực đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, lập Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và tổ chức công bố số liệu vào tháng 4/2018, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Đối với các dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, gồm: Chính phủ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Na Uy..., các tổ chức quốc tế như: Nhóm cố vấn bom mìn (MAG), Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA), Golden West, Đoàn kết quốc tế (SODI), Peace Tree... đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống của người dân và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển xã hội đất nước. 

Theo điều tra, trước năm 2010, số nạn nhân bình quân hằng năm là gần 400 người, trong đó gần 200 người bị chết. Tuy nhiên, những năm gần đây, số nạn nhân bom mìn là dưới 50 người, có nhiều địa phương trong nhiều năm nay không xảy ra tai nạn bom mìn, đặc biệt, Quảng Trị là tỉnh có mật độ bom mìn cao nhất cả nước đã không có tai nạn bom mìn trong năm 2019 và 2020.

Theo chức năng, nhiệm vụ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện xác nhận mức độ khuyết tật cho nạn nhân bom mìn; đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, bao gồm nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học. Đến hết năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, các đối tượng đã được trợ cấp hằng tháng, tặng nhà tình nghĩa, phương tiện nghe nhìn, được học nghề, hỗ trợ sinh kế...

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đã trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc mới có được hòa bình như ngày hôm nay. Nhưng cho dù sống trong hòa bình thì hậu quả của những cuộc chiến tranh vẫn tồn tại, không chỉ để lại hậu quả nặng nề về con người, vật chất, tinh thần, chiến tranh còn có sức tàn phá ghê gớm đối với môi trường, đó là chất độc hóa học, đó là bom mìn đã rải xuống tất cả các khu vực, vùng miền của Việt Nam và hủy hoại môi trường sống của con người và thiên nhiên. Bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam là hiểm họa hàng ngày đối với người dân, là vấn đề nhức nhối của đất nước, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống bình thường của nhân dân, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh khó khăn. 

Mặc dù chiến tranh đã qua đi vài chục năm, nhưng hàng trăm nghìn tấn bom đạn, chất độc hóa học vẫn còn sót lại và ở khắp mọi nơi, kể cả biên giới, hải đảo, thành thị và nông thôn, đồng ruộng và sông ngòi. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn nói riêng và khắc phục hậu quả chất độc da cam. 

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình 504, hôm nay, tại Hội nghị này, qua các báo cáo và phát biểu, chúng ta có thể khẳng định, công tác khắc phục hậu quả sau chiến tranh nói chung, trong đó có khắc phục hậu quả bom mìn đã được triển khai thực hiện hiệu quả và thu được một số kết quả quan trọng.

Trong đó, về huy động nguồn lực, ngân sách nhà nước quan tâm trong điều kiện còn khó khăn nhưng vẫn bố trí nguồn lực khá lớn cho công tác này. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực xã hội và đặc biệt là huy động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế. Nhiều dự án về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Na Uy, Đức, Australia, Nga… và các tổ chức quốc tế của Liên hợp quốc như: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)… và nhiều tổ chức, nhà tài trợ quốc tế khác, nhiều cá nhân đã thực hiện thành công ở Việt Nam.

Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về công tác khắc phục hậu quả bom mìn toàn cầu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 năm 2021 đã đánh giá cao kết quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam trong thời gian qua. Chương trình hành động bom mìn của Việt Nam đã thí điểm xây dựng dựa trên các tiêu chí về nhân đạo và phát triển phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và Luật Nhân đạo quốc tế, góp phần giải phóng đất đai, giảm tỷ lệ thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra.

Việt Nam thực hiện đầy đủ các điều ước, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, đồng thời tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về khắc phục hậu quả bom mìn do Việt Nam khởi xướng và chủ trì đã được đánh giá rất cao.

Thay mặt Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành công trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh 10 năm qua; bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế đã đồng hành cùng Việt Nam trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và khắc phục hậu quả bom mìn nói riêng. Thủ tướng cũng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất với các địa phương, gia đình phải chịu hậu quả bom mìn sau chiến tranh. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả quan trọng, công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn những khó khăn, hạn chế, kết quả còn thấp so yêu cầu đặt ra: chưa đạt được chỉ tiêu diện tích rà phá bom mìn làm sạch đất đai (tỷ lệ hoàn thành mới đạt 69,28%); việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước cho khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh chưa được tập trung; hoạt động rà phá bom mìn chưa thực sự gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thủ tướng đề nghị, chúng ta với tinh thần nhân văn và trách nhiệm cao nhất, tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, có giải pháp phù hợp, khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại để công tác khắc phục hậu quả bom mìn đạt kết quả tốt hơn trong  giai đoạn tới.

Thủ tướng nêu rõ, trong thời gian tới, yêu cầu nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là rất nặng nề, phải gắn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đất nước của từng địa phương, từng cấp, nhất là kế hoạch sử dụng đất đai tại các địa phương, nhanh chóng xử lý ô nhiễm bom mìn làm sạch đất đai để tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, xây dựng chính sách hỗ trợ tối đa cho những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn.

Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra. Thủ tướng lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, cần xác định công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách thể hiện tính nhân văn sâu sắc, cao cả, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng, an toàn cho nhân dân là trên hết, trước hết, lấy người dân làm trung tâm, chủ thể; làm sạch môi trường, tạo điều kiện cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh phát triển kinh tế-xã hội bền vững. 

Hai là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách, hành lang pháp lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện. Nâng cao năng lực toàn diện cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và hệ thống cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn tại các địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm công tác này. Tiếp tục phát huy được vai trò của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các công việc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. 

Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh.

Bốn là, tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức cứu chữa kịp thời nạn nhân các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra, chủ động hỗ trợ sinh kế nạn nhân bom mìn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Cần điều tra, khảo sát, xây dựng dựng cơ sở dữ liệu về bom mìn sau chiến tranh. 

Năm là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ trong rà phá bom mìn, nghiên cứu, vận dụng và thực hiện phương thức quản lý bom mìn một cách chủ động, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Sáu là, khẩn trương sơ kết, tổng kết từ thực tiễn từ Việt Nam và học tập kinh nghiệm quốc tế về những bài học hay, kinh nghiệm quý, cách làm hay và hiệu quả để phổ biến thời gian tới để hoàn chỉnh cách làm của chúng ta.  

Quang cảnh Hội nghị.

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực hiện Chương trình 504. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai vận động, tổ chức tiếp nhận các nguồn tài trợ, bảo đảm mục tiêu, tiến độ thực hiện Kế hoạch 2021-2025 minh bạch, công khai.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các dự án thuộc Chương trình 504 vào danh mục ưu tiên vận động tài trợ quốc tế; xây dựng chính sách thu hút ODA cho thực hiện Chương trình 504. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa các hoạt động khắc phục hậu quả quả bom mìn sau chiến tranh vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; cân đối ngân sách để thực hiện các nội dung của Chương trình 504 thuộc nhiệm vụ chi của địa phương. 

Tại Hội nghị có ý nghĩa quan trọng và nhân văn sâu sắc này, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, đồng thời cũng trân trọng đề nghị Chính phủ các nước, các Đại sứ, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục hành động, đưa Việt Nam sớm thoát khỏi sự ảnh hưởng của bom mìn do chiến tranh để lại.

Từ thực tế Việt Nam sau chiến tranh, chúng ta hãy cùng nhau xây dựng lòng tin, chung tay gìn giữ hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, đem lại sự an toàn, hạnh phúc cho mọi người dân trên Trái đất, chung tay xây dựng, bảo vệ hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển, vì một thế giới xanh, sạch, phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn hơn. Chúng ta nỗ lực hành động hết sức mình để ngăn chặn chiến tranh, xung đột vũ trang để các dân tộc trên thế giới không bao giờ còn phải gánh chịu hậu quả nặng nề, đau thương do chiến tranh và xung đột vũ trang gây ra như đã từng xảy ra tại Việt Nam ở thế kỷ 20. 

Tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba tặng Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam. Nhân dịp này, nhiều tập thể và cá nhân cũng được vinh dự được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top