ĐBP - Sáng 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại điểm cầu Trung ương. Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.
Tại phiên họp, đại biểu đã nghe Báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số quý I/2022. Theo đó, tình hình triển khai chuyển đổi số có nhiều kết quả nổi bật: Bộ Thông tin và Truyền thông đã công khai Cẩm nang chuyển đổi số, 55 bài toán chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương và 21 câu chuyện về chuyển đổi số của Việt Nam năm 2021. Về thể chế số, 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số. Tốc độ cập nhật mạng băng rộng ở Việt Nam trong quý I/2022 được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%. Về Chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện, 96,73% xã trên toàn quốc. Ước tính tổng doanh thu kinh tế số quý I/2022, khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP. Số doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới tính đến hết tháng 2/2022 đạt 65.329 doanh nghiệp, tăng 487 doanh nghiệp so với năm 2021. Xã hội số, ứng dụng phục vụ liên lạc zalo có trung bình khoảng 74,7 triệu người sử dụng hằng tháng, tăng 14,8% so với quý I/2021; ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử có khoảng 19,9 triệu người sử dụng hằng tháng...
Thảo luận tại phiên họp các đại biểu đã tập trung trao đổi các nội dung: Phổ cập danh tính điện tử toàn dân; số hóa và sử lý hồ sơ trên môi trường mạng, tiến tới phổ cập hóa đơn điện tự; chuyển đổi số trong giáo dục, phổ cập dạy học trực tuyến; chuyển đổi số trong doanh nghiệp vừa và nhỏ; phổ cập hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; tiêu thụ nông sản trên sàn thương mai điện tử; dịch vụ ngân hàng, thanh toán số... Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia (được tổ chức hằng năm).
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận biểu dương các bộ ngành, địa phương đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong công tác chuyển đổi số: Nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương, chưa toàn diện, chưa đồng đều, việc triển khai còn mang tính hình thức; công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách về chuyển đổi số còn chậm; chất lượng, số lượng sử dụng hồ sơ dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu khác còn chậm, hiệu quả chưa cao; công tác phối hợp chưa nhịp nhàng; lĩnh vực an toàn an ninh mạng, an toàn công nghệ số chưa cao; công tác đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin chưa cao, nguồn nhân lực còn thiếu, yếu...
Thời gian tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ kế hoạch được giao về chuyển đổi số; xây dựng, ban hành kế hoạch hành động về chuyển đổi số theo quý, theo năm và theo giai đoạn. Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số mà Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; liên tục đổi mới, tư duy đột phá, phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo trong chuyển đổi số; bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao vai trò người đứng đầu...