ĐBP - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Sự kiện ngày 30/4/1975 đã mở ra một giai đoạn mới: hòa bình, độc lập, thống nhất; cả nước chuyển sang thời kỳ cùng thực hiện nhiệm vụ chiến lược “xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Khi kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước cũng là thời điểm Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu cũ (nay là 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu) đã trải qua 20 năm xây dựng, phát triển. Là tỉnh miền núi đất rộng người thưa, địa hình chia cắt, giao thông khó khăn, đời sống của nhân dân còn thiếu thốn nên công cuộc phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều bất cập, thách thức. Song cán bộ và Nhân dân các dân tộc đã đoàn kết, nỗ lực vượt khó đạt được những kết quả tích cực. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đã đánh giá: “Trong 2 năm 1975 - 1976, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc đã thu được những thắng lợi lớn trên nhiều mặt; đã củng cố, phát huy những thành tựu đạt được, tạo cơ sở cho Lai Châu tiến lên chủ nghĩa xã hội cùng với cả nước”. Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ IV, sản xuất lương thực toàn tỉnh đạt 110.000 tấn (tăng 14.000 tấn so với năm 1976); trồng mới 80ha cây trẩu; chăm sóc 1.900ha cây đen; việc tổ chức lại sản xuất đạt kết quả tốt, nhiều hợp tác xã mở rộng quy mô; hoàn thành công trình trọng điểm Hồ chứa nước Pa Khoang; cả tỉnh có 37 xã căn bản hoàn thành xóa mù chữ...
Khi nhân dân các dân tộc tỉnh ta đang hăng say thi đua lao động sản xuất, xây cuộc sống ấm no hạnh phúc thì xảy ra chiến tranh biên giới. Quân và dân Lai Châu đã chiến đấu anh dũng đẩy lùi quân xâm lược, đồng thời vẫn tích cực sản xuất, chi viện cho tiền tuyến và bảo vệ hậu phương. Thắng lợi trong hai năm 1978 - 1979 trên cả hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đã tạo động lực, niềm tin để tỉnh ta tiếp tục phát triển, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước được Đại hội Đảng toàn quốc khóa VI đề ra. Đặc biệt là đến năm 1989, lần đầu tiên tỉnh ta đảm bảo nhu cầu lương thực với sản lượng đạt 151 tấn; hình thành vùng sản xuất tập trung lúa nước ở khu vực lòng chảo Điện Biên; mía, đường tại Nông trường Điện Biên; cà phê ở Nông trường Mường Ảng...
Năm 2004, khi chia tách tỉnh Lai Châu cũ thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu, đã mở ra thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và năng động. Cán bộ và nhân dân các dân tộc Điện Biên tiếp tục đoàn kết vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu. GRDP (tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh) giai đoạn 2010-2015 đạt 9,11%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,83%, năm 2016 lần đầu tiên tỉnh ta thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1 nghìn tỷ đồng. Mặc dù đối mặt thách thức lớn khi dịch Covid-19 xuất hiện rồi bùng phát trên địa bàn đã tác động tiêu cực đến kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thời gian đầu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, song với sự nỗ lực vượt bậc tỉnh ta vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 6,02%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.555,8 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,76%. Không chỉ triển khai chủ động, đồng bộ, linh hoạt các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, giảm ảnh hưởng xuống mức thấp nhất để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Điện Biên còn tăng cường 4 đợt với hơn 100 cán bộ y tế hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương chống dịch.
Đóng vai trò là một trong những trụ cột của nền kinh tế, kết quả sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc xây dựng và triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã thu hút đầu tư khai thác tiềm năng nông, lâm nghiệp. Trung bình giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng nông - lâm nghiệp chiếm khoảng 18,76% GRDP toàn tỉnh; năm 2021 ước đạt hơn 2.210 tỷ đồng chiếm 18,08%. Từ chỗ thiếu lương thực, phải trông chờ trợ cấp của Trung ương, đến nay nông nghiệp Điện Biên đã phát triển khá toàn diện; nông dân có trình độ thâm canh cao. Toàn tỉnh đã xác nhận 22 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; chứng nhận 45 sản phẩm OCOP; đã xuất hiện một số mô hình ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vùng sản xuất như: Chè Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng và một loạt dự án trồng mắc ca đã và đang triển khai tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng... Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh có 44 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó 21 xã đạt chuẩn).
Hạ tầng thương mại, dịch vụ được đầu tư đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển cả về quy mô và chất lượng. Dịch vụ - xuất nhập khẩu có bước phát triển mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ; nhiều tuyến tỉnh lộ được nâng cấp thành quốc lộ (QL 12 kéo dài, QL 279B, QL 12B, QL 12C, QL 4H...) đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã phường, thị trấn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 92%. Đặc biệt là Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên đã được khởi công xây dựng sẽ mở ra hướng phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội cho Điện Biên.
Có thể nói, xuyên suốt quá trình phát triển 47 năm qua, quan điểm huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân thi đua lao động sản xuất đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh ta lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Trước khó khăn, thách thức lại càng phát huy tinh thần vượt khó. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị tập trung những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tạo điều kiện thuận lợi, thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách, giải pháp kích thích sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách nhà nước; thực hiện hiệu quả thu chi, ngân sách; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Tin tưởng rằng Điện Biên sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công mới, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Tây Bắc.