Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902–5/5/2022)

Nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc của Đảng

08:03 - Thứ Tư, 04/05/2022 Lượt xem: 4829 In bài viết

Đồng chí Phan Đăng Lưu là tấm gương sáng ngời về tinh thần cách mạng kiên trung, bất khuất. Đồng chí không chỉ là nhà lãnh đạo cách mạng có tầm nhìn xa, mưu lược, mà còn là một nhà báo, nhà văn, nhà lý luận tiêu biểu của Đảng ta. 

Đồng chí Phan Đăng Lưu.

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902, ở thôn Đông, xã Hòa Thành (trước là Tràng Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại vùng đất giàu truyền thống, đồng chí được kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình và quê hương. Từ tuổi thanh niên, đồng chí đã nuôi chí lớn cứu nước, cứu dân, chấn hưng đất nước và sớm dấn thân trên con đường đấu tranh cách mạng đầy gian lao. 

Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, hoạt động không mệt mỏi

Sau khi tốt nghiệp Trường Canh nông, Phan Đăng Lưu đã làm việc ở nhiều nơi và đến năm 1927 bị chính quyền thực dân thải hồi vì "vô kỷ luật và hoạt động chống đối". Tại Nghệ An, đồng chí tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Hưng Nam, rồi Tân Việt cách mạng Đảng). Tháng 7/1928, đồng chí được bầu là Ủy viên Tân Việt, được phân công phụ trách công tác tuyên huấn và đã có nhiều đóng góp cho tổ chức này về hoạch định đường lối, phát triển tổ chức, đặc biệt là góp phần có tính quyết định vào việc định hướng hoạt động của Tân Việt theo đường lối của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Từ đề xuất của đồng chí, tháng 9/1929, Tân Việt ra Tuyên đạt: “Chính thức thành lập Đông Dương cộng sản liên đoàn” - 1 trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Tháng 9/1929, trên đường trở lại Quảng Châu lần thứ 2 để hợp nhất Tân Việt với Thanh niên, đồng chí bị bắt ở Hải Phòng, bị kết án tù khổ sai, đày đi Buôn Mê Thuột. Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, Phan Đăng Lưu đề xuất chủ trương tổ chức “Doãn - Đê tù báo” (Doãn là tiếng đồng bào Êđê gọi người Kinh). Tờ báo đã góp phần động viên ý chí của anh em tù và định hướng việc đấu tranh đòi cải thiện đời sống, ngăn những hành động phiêu lưu dễ bị địch lấy cớ đàn áp…

Giữa năm 1936, đồng chí Phan Đăng Lưu ra tù nhưng bị quản thúc ở Huế. Đồng chí cùng với các đồng chí Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (Hải Triều), Bùi San, Tôn Quang Phiệt… củng cố hệ thống tổ chức Đảng ở Trung kỳ. Trong Hội nghị thành lập Xứ ủy lâm thời Trung kỳ, tháng 3/1937, đồng chí được bầu vào Ban thường vụ Xứ ủy. Tháng 9/1937, đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương.

Tháng 11/1939, đồng chí Phan Đăng Lưu dự Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6. Đồng chí đã góp phần trong việc chuẩn bị các tài liệu của Hội nghị, đặc biệt về chuyển hướng chiến lược của Đảng sang “thời kỳ dân tộc giải phóng”. Sau Hội nghị, đồng chí Phan Đăng Lưu được phân công phụ trách phong trào cách mạng ở Nam kỳ. Từ cuối năm 1939, chính quyền thực dân ở Đông Dương tăng cường đàn áp, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị bắt. Đến tháng 4/1940, chỉ còn một mình đồng chí Phan Đăng Lưu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vẫn kiên cường lãnh đạo duy trì phong trào cách mạng. 

Tháng 7/1940, đồng chí Phan Đăng Lưu dự Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ. Trước chủ trương khởi nghĩa được Hội nghị đưa ra, sau khi phân tích tình hình về thời cơ khởi nghĩa, với cái nhìn toàn cục, đồng chí Phan Đăng Lưu đề nghị tạm hoãn cuộc khởi nghĩa và “chờ chỉ thị của Trung ương” trước khi phát động nhân dân nổi dậy. Cuối tháng 10/1940, với tầm nhìn chiến lược và tinh thần trách nhiệm, đồng chí Phan Đăng Lưu ra bắc cùng với Xứ ủy Bắc kỳ tổ chức Hội nghị tái lập Ban chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị Trung ương lần thứ 7 đã họp ở Đình Bảng và Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) từ ngày 6 đến ngày 9/11/1940. Tại hội nghị này, Phan Đăng Lưu cùng các đồng chí dự hội nghị (Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh) đề cử đồng chí Trường Chinh làm Quyền Tổng Bí thư của Đảng. Đề xuất chuyển Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Bắc kỳ của đồng chí Phan Đăng Lưu sau khi tổ chức tái lập cũng đã giúp Đảng bảo toàn lực lượng lãnh đạo cấp cao. Trước đó, trong gần 10 năm (10/1930-4/1940), nhiều lần gần như toàn bộ Ban Chấp hành Trung ương cùng với 4 Tổng Bí thư (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ) đều bị địch bắt tại Sài Gòn.

Hội nghị Trung ương lần thứ 7 cũng nhất trí hoãn cuộc khởi nghĩa Nam kỳ và giao đồng chí Phan Đăng Lưu truyền đạt chỉ thị này tới Xứ ủy Nam kỳ. Về tới Sài Gòn, đồng chí bị mật thám bắt vào chiều tối ngày 22/11, chưa kịp truyền đạt chỉ thị của Trung ương trước khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ trong đêm 22 rạng sáng ngày 23/11/1940.

Nhà báo cách mạng xuất sắc

Trong thời kỳ đấu tranh dân chủ ở Huế, đồng chí Phan Đăng Lưu và các nhà báo cộng sản: Hải Triều, Hải Thanh, Lâm Mộng Quang, Nguyễn Sơn Trà, Phan Bá Nguyên, Hồ Cát, Nguyễn Cửu Thạnh chủ trương họp Hội nghị báo giới Trung kỳ tiến tới thành lập Mặt trận báo chí dân chủ, đấu tranh cho tự do báo chí. Ngày 27/3/1937, Hội nghị báo giới Trung kỳ họp tại Huế với sự tham gia của 37 nhà báo và 33 đại biểu quần chúng. Chính quyền thực dân hoảng sợ trước kết quả này đã vội vã ra lệnh cấm mọi hội nghị báo giới về sau.

Trong cuộc bầu cử Viện dân biểu Trung kỳ, đồng chí Phan Đăng Lưu chủ trương mua lại tờ Sông Hương của Phan Khôi và đổi thành Sông Hương tục bản để làm phương tiện tuyên truyền và đấu tranh của Đảng. Những bài xã luận, bình luận chính trị, tiểu phẩm… xung quanh cuộc vận động bầu cử trên Sông Hương tục bản hầu hết do Phan Đăng Lưu viết. Với cách viết gần gũi, dễ hiểu với đông đảo nhân dân, Phan Đăng Lưu tập trung bút lực cho những bài chính luận đấu tranh trực diện. Đồng chí còn có các bài hát nói, hài kịch Lời khuyên các cử tri, Phơi gan trải ruột cho quốc dân biết… làm cho tờ báo chính trị trở nên vui tươi hấp dẫn. Trên trang báo, đồng chí Phan Đăng Lưu cũng kịp thời chuyển tải rõ lập trường, thái độ của những người cộng sản với những vấn đề quốc tế có tính thời đại, định hướng dư luận quần chúng trong cuộc đấu tranh chống nguy cơ chiến tranh, chống hiểm họa phát-xít. 

Mục “chiếu điện” của Phan Đăng Lưu trên tờ Sông Hương tục bản (ký bút danh Nghị Toét) nhằm trực diện vào những ứng cử viên của phái hữu. Phan Đăng Lưu “chiếu điện” tới hàng chục nhân vật, nhân việc các vị ứng cử nghị viên muốn “phơi bày ruột gan cho quốc dân được biết” đã gây ra những tiếng cười hả hê trong quần chúng. Tất cả những kẻ bị đưa ra “chiếu điện” hầu hết bị loại khỏi kết quả bầu cử. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử báo chí Đông Dương, có những bài đả kích đích danh bọn “buôn dân bán nước”.

Nhận thấy sự nguy hiểm của Sông Hương tục bản, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 11/10/1937 thu hồi giấy phép xuất bản của tờ báo. Đồng chí Phan Đăng Lưu lại khẩn trương tìm cách ra những tờ báo khác: Dân, Dân tiến, Dân muốn và tiếp tục có những bài báo phản ánh sâu sắc thực tiễn phong trào quần chúng, tố cáo những thủ đoạn của thực dân Pháp và tay sai.

Sáng ngời tấm gương kiên trung bất khuất và tinh thần lạc quan

Trong Khám Lớn (Sài Gòn), trước những thủ đoạn tra tấn dã man, đồng chí Phan Đăng Lưu nêu cao khí tiết của người cộng sản, bảo vệ bí mật của Đảng. Ngày 3/3/1941, đồng chí bị thực dân Pháp kết án tử hình. Trong “xà lim án chém”, đồng chí giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng và truyền cảm hứng đó cho các đồng chí của mình. Đồng chí nói với các bạn tù: “Tôi không sợ chết, nhưng chúng xử tội tôi khổ sai chung thân rồi đày ra Côn Đảo thì hay hơn. Còn sống, nhất định tôi tìm được cách vượt ngục để về hoạt động…”1. Đồng chí viết thư (bằng tiếng Pháp, dấu bưu điện ngày 2/5/1941) cho con trai và động viên gia đình: 

Con trai thân yêu! Qua báo chí, chắc con đã biết tin ba bị kết án tử hình.

…Nhưng, con thân yêu, đừng phiền muộn con nhé! Con hãy lau nước mắt cho mẹ con! Hãy an ủi tất cả mọi người trong gia đình!

… Dẫu sao chăng nữa ba vẫn thanh thản đón nhận số phận đã dành cho mình và chịu đựng một cách ngoan cường.

Một lần nữa, ba mong con đừng buồn phiền và hãy an ủi tất cả những ngưòi thân thiết của ba2.

Ngày 26/8/1941, đồng chí Phan Đăng Lưu ngã xuống tại trường bắn Ngã Ba Giồng (nay thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh) cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều cán bộ, quần chúng cách mạng tham gia khởi nghĩa Nam kỳ.

-------

1:  Hồng Phi – Những ngày cuối cùng của đồng chí Phan Đăng Lưu, trong ngục tù đế quốc (ký ức) – Tài liệu lưu trữ tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ký hiệu 3B, tr. 4

2: Báo Nhân Dân ngày 28/7/1991, Cam Ly dịch từ tiếng Pháp

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top