Vấn đề tuần này

Khí thế mới Điện Biên

05:49 - Thứ Năm, 05/05/2022 Lượt xem: 4102 In bài viết

ĐBP - Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, với quyết tâm chiến đấu và chiến thắng trước kẻ thù xâm lược. Người này ngã xuống thì người khác xông lên, người này bị thương không thể cầm súng thì người khác ngắm bắn thay... Tất cả vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân, mỗi người lính Việt Minh, thanh niên xung phong... trong chiến dịch Điện Biên Phủ “gan không núng, chí không mòn”, khí thế ra trận, xông lên giết giặc hừng hực trong huyết quản. Dưới sức ép “mưa bom bão đạn” của bộ đội ta, nhận thấy tương quan lực lượng yếu dần, không thể chống trả nổi, đến 5 giờ 30 phút chiều 7/5/1954, Tướng Đờ cát và toàn thể tuỳ tùng kéo cờ trắng ra hàng, kết thúc cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp trên mặt trận Điện Biên Phủ và toàn thể đất nước.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã lùi xa 68 năm, nhưng trên chiến trường ấy vẫn còn đó xác xe tăng, máy bay, các loại pháo, bom của địch... là chứng nhân lịch sử để nhắc nhở, giáo dục mỗi người dân Việt Nam cũng như người Pháp hãy biết trân trọng giá trị của hoà bình, độc lập dân tộc. Trong bất cứ cuộc chiến tranh nào, dù thắng hay thua thì đều để lại những mất mát, đau thương. Nhiều gia đình bố mẹ mất con, vợ mất chồng, anh em mất nhau. Chiến tranh chống Pháp đã qua 68 năm, nhưng đến nay nhiều gia đình chưa tìm thấy mộ phần con cái, anh em, người thân... Đau thương ấy làm sao kể xiết.

Mảnh đất Điện Biên Phủ sau 68 năm đã khác. Từ chỗ là chiến trường đổ nát, hoang tàn màu tro lạnh, bằng nỗ lực của cấp uỷ Đảng, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc trong dựng xây, phát triển, Điện Biên hôm nay đang vươn mình mạnh mẽ, xứng đáng là thành phố trẻ nơi cực Tây Tổ quốc.

Trong chiến tranh chống Pháp, đường lên Điện Biên là cả một hành trình dài, qua trăm thác ghềnh, dốc nối dốc. Quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Điện Biên như sợi chỉ vắt hững hờ qua những cánh rừng rậm, thâm u, phải mất cả tuần lễ ăn núi ngủ rừng, vắt cắn, muỗi đốt, sốt rét đến độ rụng cả tóc. Còn nay, chỉ mất 10 tiếng đồng hồ đi ô tô chúng ta đã có mặt tại Điện Biên. Với đường hàng không thì nhanh hơn, chỉ mất khoảng 50 phút. Không chỉ một mà có 2 hãng hàng không khai thác tuyến Điện Biên - Hà Nội và ngược lại. Gần đây, mở thêm tuyến Điện Biên - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Giao thông kết nối thuận lợi, là tiền đề, động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với GRDP năm 2021 đạt 21.547,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 34,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống con 34,9% (theo chuẩn nghèo mới). Các chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc y tế, giáo dục... được quan tâm chú trọng đã nói lên sự đổi thay, nỗ lực vươn mình trong gian khó của Điện Biên.

Tháng 5, trời Điện Biên như trong xanh hơn. Trên các cứ điểm, di tích lịch sử thuộc quần thể chiến trường Điện Biên Phủ, khách du lịch đông đúc, nhộn nhịp. Với nhiều giọng nói khác nhau cho thấy, du khách các vùng miền trong cả nước đã đến với Điện Biên. Hoà trong dòng người viếng Nghĩa trang liệt sĩ A1, tham quan Đồi A1, D1, Hầm Đờ cát... có cả du khách nước ngoài. Họ kính cẩn trước mộ phần các Nghĩa trang liệt sĩ, chăm chú đọc những dòng chữ được dịch sang tiếng Pháp tại các điểm di tích, nét mặt nghiêm nghị, phần nào cho thấy, họ rất trân trọng giá trị của hoà bình, tự do, độc lập.

Đứng trên đồi A1, D1, hướng mắt về phía xa, cánh đồng Mường Thanh đang mùa lúa chín, vàng ruộm cả bầu trời. Hạt gạo Điện Biên (chủ yếu sản xuất tại cánh đồng Mường Thanh) đã có thương hiệu, theo chân du khách đến với các tỉnh, thành trong cả nước. Nhiều người đặt câu hỏi rằng: Vì sao gạo Điện Biên lại thơm ngon, quyện dẻo đến vậy? Ngoài lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, có ý kiến cho rằng, trên cánh đồng ấy đã thắm đẫm máu các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến trường kỳ 9 năm, nên hạt gạo mới có được vị ngon đến vậy. Chưa có luận cứ khoa học nào chứng minh điều này, nhưng quả thực, hạt gạo Điện Biên thơm ngon nức tiếng trong Nam, ngoài Bắc là điều không thể phủ nhận.

Cũng mới đây thôi, TP. Điện Biên Phủ kỷ niệm 30 năm thành lập. Với những con số tăng trưởng, phát triển 30 năm qua cho thấy, Điện Biên Phủ đã thực sự vươn mình, đổi thay. Thành phố đang phấn đấu đạt đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh vào năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 1,79% (chuẩn nghèo 2022 - 2025); kinh tế phát triển theo hướng thương mại, du lịch, dịch vụ. Hạ tầng cơ sở: điện, đường, trường, trạm, công viên, khu vui chơi giải trí... ngày càng hoàn thiện theo hướng khang trang, hiện đại, phục vụ lợi ích nhân dân.

Vài năm gần đây, Điện Biên đang tập trung thực hiện một một số chương trình, dự án trọng điểm: Nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không Điện Biên; Dự án đường 60m (nay là đường 7 tháng 5); Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung dọc đường 7 tháng 5, Dự án Trung tâm thương mại và Nhà ở thương mại TP. Điện Biên Phủ; Các khu, điểm tái định cư; khu đô thị thương mại ven sông Nậm Rốm… Chỉ đạo gấp rút hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đã đăng ký; phối hợp, hỗ trợ Tập đoàn Sun Group khảo sát và lập đề xuất quy hoạch đầu tư một số dự án phát triển các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí... quy mô lớn.

Với nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân, kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên đang ngày càng phát triển. Tương lai không xa, Điện Biên sẽ rất khác. Là mảnh đất lưu dấu nhiều kỷ niệm với du khách. Càng trân trọng hơn, quý giá và nên quay lại nhiều lần hơn, khi nơi đây là mảnh đất từng làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top