Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Ðăng Lưu (5/5/1902-5/5/2022)

Phan Đăng Lưu - nhà lãnh đạo tiền bối xuất sắc, một trí thức cách mạng tiêu biểu

07:41 - Thứ Năm, 05/05/2022 Lượt xem: 3936 In bài viết

PGS, TS NGUYỄN THẾ KỶ                                     

Nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng                             

Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương

Trong chuyến thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam năm 1959, chúng tôi ghi lại câu nói của Tổng Bí thư Lê Duẩn trước ảnh đồng chí Phan Ðăng Lưu tại gian trưng bày ảnh các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Ðảng ta, nguyên văn: “Ðồng chí Phan Ðăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu”

Học sinh Trường THCS Phan Ðăng Lưu (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) nghe giới thiệu tóm tắt cuộc đời, hoạt động của nhà cách mạng tiền bối Phan Ðăng Lưu. (Ảnh Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông Yên Thành)

Ðồng chí Phan Ðăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 trong một gia đình nhà nho, có truyền thống yêu nước ở thôn Ðông, xã Tràng Thành (nay là xã Hòa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Phan Ðăng Lưu học chữ Hán từ năm lên sáu tuổi, gần 10 năm sau bắt đầu học tiếng Pháp ở quê nhà Yên Thành và ở Trường tiểu học Pháp-Việt, thị xã Vinh. Tháng 6/1920, sau khi tốt nghiệp bậc tiểu học, anh thi vào Trường Quốc học Huế, bậc trung học và đỗ loại giỏi. Học hết năm thứ nhất, Phan Ðăng Lưu nộp đơn thi vào Trường Nông nghiệp thực hành Tuyên Quang và sau hai năm miệt mài học tập (1921-1923) thì tốt nghiệp loại giỏi.

Khi bước vào con đường cách mạng, Phan Ðăng Lưu đã thành thạo tiếng Pháp, giỏi chữ Hán, Bạch thoại. Tháng 5/1928, Phan Ðăng Lưu được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Ðảng cử vào Huế, tham gia Ban Thường vụ của Tổng bộ và làm Ủy viên Tỉnh bộ Huế, tham gia Ban Biên tập Quan Hải Tùng Thư do Ðào Duy Anh đứng đầu. Cơ quan này đã biên tập, biên dịch, in và phát hành được 13 cuốn sách, trong đó Phan Ðăng Lưu trực tiếp dịch từ tiếng Trung sang tiếng Việt hai đầu sách của tập Xã hội luận trong bộ sách của Ðông Phương Văn Khổ (Trung Quốc) và cuốn Lịch sử học thuyết kinh tế (quyển Hạ) theo Kinh tế học thuyết sử của Nhật Bản. Ông cũng dịch và biên soạn nhiều tài liệu cần thiết A.B.C Chủ nghĩa Mác, Dân chủ mới; dịch các cuốn Xã hội luận, Lịch sử các học thuyết kinh tế...

Giữa tháng 9/1929, ông được Tổng bộ Tân Việt cử sang Trung Quốc lần 2, nhưng vừa ra đến Hải Phòng thì bị mật thám Pháp bắt đưa về giam ở Vinh, đầu năm 1930 bị đày tới nhà tù Buôn Ma Thuột. Ðể vận động lính Ê Ðê và tù nhân người Thượng đang bị chúa ngục Pháp nhồi nhét tư tưởng chia rẽ, hằn học tù nhân người Kinh, ông tự học tiếng Ê Ðê, vận động anh em, đồng chí cùng học. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã nói thạo tiếng Ê Ðê, “xuất bản tờ báo” bí mật mang tên “Doãn Ðê tù báo”. Ở trong tù, Phan Ðăng Lưu cùng các đồng chí học tập lý luận, trao đổi nhiều vấn đề về đấu tranh cách mạng, động viên tinh thần và chí khí chiến đấu; sáng tác thơ ca, viết báo bí mật gửi ra ngoài lên án chế độ lao tù dã man của bè lũ thực dân. Ra tù sau 7 năm bị giam cầm, ông lại lao vào công việc ở Xứ ủy Trung Kỳ. Khoảng giữa tháng 10/1937, để góp phần nâng cao nhận thức và trình độ lý luận phổ thông cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, với bút danh Tân Cương, Phan Ðăng Lưu đã viết hai cuốn sách “Xã hội tư bản”; “Thế giới cũ và thế giới mới” (mỗi cuốn xấp xỉ 30 trang), cung cấp những thông tin và kiến thức cần thiết về tình hình thế giới; về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc; về giai cấp vô sản; về Liên bang Xô viết...

Tháng 9/1937, ông tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng mở rộng tại Hóc Môn, Bà Ðiểm, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tháng 3/1938, Hội nghị đại biểu cả ba Xứ ủy bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, ông Phan Ðăng Lưu được bầu vào Ban Thường vụ.

Liên tục hoạt động cách mạng cho đến khi bị mật thám Pháp bắt giam (tháng 11/1940), bị Tòa án thực dân Pháp kết án tử hình, trong những ngày cuối cùng chốn lao tù, ông vẫn cùng các đồng chí học tập, nghiên cứu, đánh giá và rút ra những bài học xương máu về khởi nghĩa Nam Kỳ.

Như đã nêu ở trên, đầu năm 1930, Phan Ðăng Lưu bí mật cho ra “Doãn Ðê tù báo” - tờ báo viết tay trên giấy vụn, nhặt được trong tù bằng chữ Việt và chữ Ê Ðê, ông phụ trách mục tin tức, bình luận và dạy tiếng Ê Ðê. Các bài viết của ông ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Trong đó, ông nói về nỗi nhục mất nước, về quan hệ gắn bó giữa người Ê Ðê và người Kinh, về tấm gương của những người yêu nước bị tù đày, về cách nhìn cảm thông của tù nhân với những  người  Ê Ðê bị ép buộc làm những điều mà họ không muốn. Nhờ tờ báo mà mối quan hệ giữa những người tù, lính canh được cải thiện rõ rệt. Ông cũng viết nhiều bài báo, cả tiếng Việt và tiếng Pháp, gửi ra bên ngoài lên án chế độ nhà tù tàn bạo, kêu gọi dư luận hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân.

Vừa ra khỏi nhà tù Buôn Ma Thuột, Phan Ðăng Lưu bị quản thúc ở Huế, ông khẩn trương chắp nối liên lạc với Ðảng, tiếp tục đấu tranh cách mạng. Tháng 3/1937, tại Ðông Pháp Lữ quán, số 7 đường Ðông Ba, thành phố Huế, Ðại hội Báo chí Trung Kỳ khai mạc với sự tham gia của hơn 70 nhà báo. Phan Ðăng Lưu vừa là người lãnh đạo, vừa là nhà báo cách mạng đã hướng Ðại hội vào những nhiệm vụ trọng tâm rất có ý nghĩa lúc bấy giờ. Phan Ðăng Lưu và các đồng chí đã mua lại tờ “Sông Hương” của Phan Khôi và đổi tên thành “Sông Hương tục bản”. Với nhiều bài viết, tiểu mục đặc sắc, giàu tính chiến đấu như mục “Chiếu điện” của tác giả Nghị Toét (bút danh của Phan Ðăng Lưu), “Sông Hương tục bản” trên thực tế đã trở thành cơ quan ngôn luận của Xứ ủy Trung Kỳ, báo ra được 14 số (từ ngày 15/6 đến 14/10/1937).

Ngày 24/12/1937, một số đại biểu vừa trúng cử Viện Dân biểu Trung Kỳ dưới sự gợi ý của Phan Ðăng Lưu đã làm đơn xin xuất bản tờ báo lấy tên là “Dân”. Báo “Dân” kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án thuế thân và thuế điền thổ do Khâm sứ Trung Kỳ đưa ra. Báo “Dân” ra được 17 số, từ tháng 7 đến tháng 10/1938. Cơ quan Xứ ủy và Phan Ðăng Lưu tiếp tục cho ra tờ “Dân tiến”. Ðể tránh sự kiểm duyệt gắt gao của Khâm sứ Trung Kỳ, báo được biên tập ở Huế sau đó đưa vào Sài Gòn in ấn, phát hành ở Nam Kỳ. Ra được 5 số thì “Dân tiến” bị nhà cầm quyền đóng cửa. Không chịu khuất phục, Phan Ðăng Lưu cho ra tiếp tờ báo mang tên “Dân muốn”, vẫn biên tập ở Huế, in và phát hành ở Sài Gòn… Với những hoạt động báo chí rất sôi nổi, Phan Ðăng Lưu đã biến ngòi bút thành vũ khí đấu tranh vô cùng sắc bén.

Về sự nghiệp văn hóa, văn nghệ, ông thông thạo chữ Hán, tiếng Pháp, được đọc các tác phẩm của Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, Tôn Dật Tiên, Montesquieu C.L., Voltaire F.M., Rousseau J.J., thơ văn Phan Bội Châu và các chí sĩ yêu nước khác nên khi bị giam cầm ở nhà tù Buôn Ma Thuột, Phan Ðăng Lưu sáng tác thơ ca để động viên tinh thần các đồng chí, anh em bạn tù. Ông đưa các tác phẩm văn học, nhất là thơ và tiểu phẩm vào các số báo, trang báo, vừa bám sát tính thời sự, vừa bảo đảm tính dí dỏm, châm biếm sâu cay.

Giữa năm 1939, khi chính quyền thực dân đàn áp báo chí, đóng cửa hàng chục tờ báo yêu nước, Phan Ðăng Lưu tập trung nhiều hơn cho nghiên cứu văn học. Với bút danh Phi Bằng, ông sưu tầm, biên soạn cuốn “Thơ văn các nhà chí sĩ Việt Nam”. Sách được cụ Huỳnh Thúc Kháng viết lời tựa (in trên báo Tiếng dân năm 1939). Ông còn viết loạt bài “Văn thơ của các chí sĩ Việt Nam”; góp nhiều ý kiến đối với đồng chí Hải Triều trong cuộc tranh luận về “Văn học vị nghệ thuật” hay “Văn học vị nhân sinh” lúc đó.

Phan Ðăng Lưu đã sống đẹp đẽ, chiến đấu, hy sinh kiên cường, dũng cảm. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc; tư duy, phương pháp công tác vững vàng, tài tình; bản lĩnh và nghệ thuật lãnh đạo sắc sảo, mẫn tiệp, ông là một trí thức cách mạng lớn, tiêu biểu; một nhà báo, nhà văn tài ba, chuyên nghiệp; một nhà lãnh đạo xuất chúng. Ông là tấm gương sáng ngời về tri thức, tài năng, bản lĩnh, đạo đức, phong cách. Ông đã góp phần xứng đáng xây dựng nền móng ban đầu cho sự lãnh đạo của Ðảng đối với bộ máy tổ chức và đảng viên của mình, với nhân dân, với cách mạng, nổi bật nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ.

Tài liệu tham khảo:

1. Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999.

2. Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Ðảng và Cách mạng Việt Nam: Phan Ðăng Lưu - Tiểu sử.

3. Ngô Nhật Sơn: Ðồng chí Phan Ðăng Lưu, Nxb Nghệ Tĩnh, 1987.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top