Nỗ lực xây dựng chính quyền cơ sở vững mạnh

05:53 - Thứ Sáu, 06/05/2022 Lượt xem: 4806 In bài viết

ĐBP - Xác định xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành; nhất là nêu cao vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Anh Trần Quốc Quân (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cùng cán bộ xã thăm mô hình kinh tế của người dân trên địa bàn.

Cách đây chừng 5 năm, nhắc đến Mường Lạn, nhiều người đều biết đây là một trong những xã còn khó khăn ở huyện Mường Ảng với tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm chiếm trên 70%. Thế nhưng những năm gần đây, với sự đổi mới về phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ, bộ mặt nông thôn nơi đây có nhiều thay đổi, ý chí thoát nghèo của bà con được nâng lên, kinh tế ngày càng khởi sắc. Anh Trần Quốc Quân, Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết, các chương trình, dự án, mô hình phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là ý chí vươn lên của người dân. Nếu người dân quyết tâm, chịu khó thì khó khăn nào mà không vượt qua được. Anh Quân cho biết, trước đây, bản Huổi Lỵ có điều kiện tự nhiên thuận lợi; ruộng sản xuất lúa được cả 2 vụ. Thế nhưng, do không chuyển đổi giống lúa mới nên sâu bệnh nhiều dẫn đến năng suất, sản lượng thấp. Hay như đối với vật nuôi, trước đây chăn thả rộng, không có chuồng trại, không tiêm vắc xin phòng bệnh nên dịch bệnh cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn. Nay thì đã khác, với phương châm tuyên truyền “mưa dần thấm lâu”, “cầm tay chỉ việc” của từng cán bộ xã, nhận thức của người dân đã thay đổi, họ biết cần phải làm gì là tốt nhất cho cuộc sống. Bởi thế mà trong tổng số 42 hộ của bản thì nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn gần 19%.

Pá Mỳ hiện là một trong những xã đặc biệt khó khăn ở huyện Mường Nhé, với tỷ lệ hộ nghèo trên 80%. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân, cấp ủy, chính quyền xã xác định, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án thì sự cố gắng nỗ lực từ phía nhân dân là rất cần thiết. Tuy nhiên, làm được điều đó, hiện nay, xã đang nỗ lực thực hiện tốt việc xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh; thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực thi công vụ… Ông Giàng A Trừ, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Là xã vùng cao, trình độ dân trí không đồng đều nên muốn khơi gợi được ý chí thoát nghèo của nhân dân, thời gian qua, xã đặc biệt quan tâm đến vai trò lãnh đạo, tinh thần gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực thi công vụ. Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên củng cố mối đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; cùng với đó là thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Với sự nỗ lực của mỗi cán bộ, đảng viên, xã đang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 5 - 7%.

Việc xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng. Do vậy, những năm qua, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã và đang không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành, phát huy tối đa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền cơ sở; cùng với đó, thực hiện nghiêm quy chế làm việc, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; thường xuyên củng cố tổ chức bộ máy chi bộ, mặt trận, các đoàn thể. Đặc biệt, để xây dựng chính quyền thật sự vững mạnh nhằm chăm lo đời sống nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; hàng năm, cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng nâng cao năng lực, quan tâm bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng giao tiếp, văn hóa công sở, chuẩn mực ứng xử trong thực thi nhiệm vụ cho cán bộ, công chức.

Từ năm 2021 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức hơn 300 lớp đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm... với hơn 27.000 lượt người tham gia. Nhìn chung, sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở đều đạt chuẩn theo quy định. Cán bộ đã phát huy vai trò, trách nhiệm đối với dân, nhất là thực hiện tốt chế độ lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định các công việc có liên quan đến đời sống nhân dân. Cùng với đó, công tác giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” có chuyển biến, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân; thực hiện tốt chế độ công khai tài chính, công khai các công trình xây dựng cơ bản... đến nhân dân, được nhân dân đồng tình, tin tưởng.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top