Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất

05:49 - Thứ Năm, 12/05/2022 Lượt xem: 3763 In bài viết

ĐBP - Hình tượng “Anh hùng giải phóng dân tộc” và “Danh nhân văn hóa” đã hòa quyện tạo nên nét riêng độc đáo ở Hồ Chí Minh không chỉ trong quá khứ, mà đang sống với hiện tại và sẽ tiếp tục tỏa sáng trong nền văn hóa tương lai.

Trong quá trình dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm, dân tộc ta đã hình thành và phát triển nền văn hóa dân tộc rực rỡ, mà hạt nhân là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ý chí đấu tranh bất khuất, tinh thần nhân ái, khoan dung và ý thức cộng đồng, đại đoàn kết dân tộc để làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Chính nền văn hóa ấy cùng những ảnh hưởng tích cực của văn hóa phương Đông đã hun đúc nên nhân cách Hồ Chí Minh và góp phần to lớn vào sự hình thành và phát triển tư tưởng của Người.

Từ giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, mặc dù các phong trào yêu nước, chống Pháp liên tục diễn ra, người trước ngã, người sau đứng lên, sẵn sàng “Đúc gan sắt để dời non lấp biển, xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”, nhưng tất cả các cuộc nổi dậy ấy đều “trăm thất bại mà không có lấy một thành công”. Nguyên nhân có nhiều nhưng suy cho cùng, nguyên nhân chủ yếu là chưa có một đường lối đúng.

Chứng kiến những thất bại đau đớn của các vị yêu nước tiền bối, cảnh nhân dân sống lầm than, cực khổ dưới ách thực dân tàn bạo, người thanh niên ưu tú của dân tộc Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Với hành trang ban đầu là lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập tự do, Người đã chọn con đường không giống với con đường mà các bậc cách mạng đàn anh đã đi.

Suốt nhiều năm xông pha, Người đã có mặt ở nhiều nước, tiếp xúc với nhiều lớp người, thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Khi đến các nước tư bản phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ, Người nhìn thấy cảnh giai cấp công nhân bị áp bức, bóc lột thậm tệ. Khi sang các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ la tinh, Người lại tận mắt thấy nhiều dân tộc bị thực dân thống trị hết sức hà khắc, dã man. Người thấy rõ ý chí quật cường của các dân tộc bị áp bức, tinh thần đấu tranh kiên cường của giai cấp công nhân, những người lao động cùng khổ ở khắp mọi nơi, kể cả nhân dân lao động ở chính nước Pháp. Nhận ra kẻ thù chung, Người đi đến một kết luận quan trọng: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, tấm lòng của Người luôn hướng về Nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì một thế giới hòa bình, các dân tộc được tự do và bình đẳng, con người được sống hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng; cống hiến xuất sắc cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường và vô cùng trong sáng, suốt đời chiến đấu cho công bằng, hòa bình và tiến bộ của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của dân tộc Việt Nam, đã trở thành văn hóa dân tộc. Sự đóng góp của Hồ Chí Minh về văn hóa không chỉ ở phương diện lý luận mà còn thắm đượm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tỏa sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Cái cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Người đề cao lý tưởng cứu nước, cứu dân “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Hồ Chí Minh đã coi văn hóa vừa là mục đích, vừa là phương tiện của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Với bút danh Nguyễn Ái Quốc, Người đã là tác giả của hàng trăm bài báo, thơ, tranh đả kích trên các trang báo Người cùng khổ, báo Nhân đạo… lên tiếng tố cáo tội ác dã man của chủ nghĩa thực dân đối với Nhân dân Việt Nam, Nhân dân ở các nước thuộc địa, cũng như Nhân dân lao động ở chính quốc. Người đã sử dụng ngòi bút để thức tỉnh, kêu gọi những con người đang bị đè nén, bị bóc lột đứng lên đấu tranh giành lấy quyền con người với đúng nghĩa của nó. Hồ Chí Minh đã đưa ánh sáng văn hóa đến với những người cần lao, để họ đến với cách mạng, giúp họ hiểu và thực hiện có hiệu quả việc tự giải phóng bản thân. Trong hội thảo quốc tế, kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Tổng Giám đốc UNESCO đã khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng, để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Ở Bác, nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà báo, người chiến sĩ, nhà chính trị - kết quyện chặt chẽ trong nhà văn hóa lớn Hồ Chí Minh. Bác Hồ là người mở đường cho báo chí, thơ văn cách mạng Việt Nam. Là một nhà thơ lớn, Bác Hồ đồng thời còn là một nhà văn giàu tính chiến đấu. Người đã đem lại cho văn chương cách mạng nước ta những yếu tố mới mẻ và hiện đại. Chúng ta có thể tìm thấy trong tấm gương sáng tạo của Người những kinh nghiệm, bài học về nội dung và hình thức, tư tưởng và nghệ thuật, phương pháp và phong cách, ngôn ngữ và thể loại của một tài năng lớn. Tất cả những gì Người viết ra đều là sự phản ánh trung thực, hồn nhiên vẻ đẹp cao quý trong đạo đức, trí tuệ và tâm hồn của một nhân cách lỗi lạc, vì vậy, tất cả đều hiện ra chân thực, giản dị, tự nhiên, vốn là những chuẩn mực tiêu biểu cho cái đẹp - cái hoàn thiện của con người.

Hơn 50 năm về trước, khi vĩnh biệt chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc với muôn vàn tình thương yêu và những lời căn dặn rất đỗi ân tình và sâu sắc. Bốn thập kỷ thực hiện Di chúc của Người, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, đáng tự hào và càng thấm thía sâu sắc những điều Người căn dặn chúng ta: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Nguyễn Thanh Hoàng
Bình luận

Tin khác

Back To Top