Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội

15:44 - Thứ Năm, 12/05/2022 Lượt xem: 3654 In bài viết

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, sáng 12/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). (Ảnh: Duy Linh)

Tại phiên họp, trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi) lần này phải bảo đảm tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, tính chủ động trong hoạt động của Quốc hội, tăng cường tính tranh luận, phát huy trí tuệ, tinh thần đổi mới sáng tạo của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Hướng tới tính chuyên nghiệp, hiện đại

Các quy trình, thủ tục làm việc được xây dựng khoa học, chặt chẽ, logic, sát thực tiễn, khả thi, có tính chuyên nghiệp cao; tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần tiếp tục tổng kết việc thi hành một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành, như việc tổ chức kỳ họp bất thường, việc tổ chức họp trực tuyến, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội... với nhiều kết quả tích cực trong thời gian vừa qua để có cơ sở đánh giá đầy đủ, toàn diện, đề xuất quy định cụ thể, phù hợp trong dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi), làm cơ sở triển khai thực hiện ổn định, thống nhất.

Về một số nội dung cụ thể, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định rõ về thời hạn gửi thẩm tra đối với tài liệu trình tại kỳ họp bất thường hoặc giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết về thời hạn gửi tài liệu thẩm tra để bảo đảm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong từng giai đoạn.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là không quá 7 phút.

Đồng thời, trong quá trình điều hành thảo luận tại hội trường, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng ghi nhận quy định về lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu xin ý kiến; việc lưu hành tài liệu chính thức phục vụ kỳ họp Quốc hội bằng hình thức bản điện tử vào Nội quy kỳ họp Quốc hội là cần thiết, phù hợp, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ để tiếp tục thực hiện.

Cơ quan này đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định để thống nhất, chặt chẽ về quy trình gửi, nhận, yêu cầu đối với tài liệu kỳ họp được lưu hành bằng hình thức điện tử.

Liên quan việc bổ sung quy định về kỳ họp bất thường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với việc cần phải có các quy định đặc thù về thời hạn thực hiện một số quy trình, thủ tục để bảo đảm tính khả thi.

Việc tổ chức kỳ họp bất thường chủ yếu là để giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn, thời gian triệu tập gấp hơn thường lệ (chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, so với kỳ họp thường lệ là 30 ngày), thời gian tiến hành kỳ họp ngắn.

Ngoài các quy định đặc thù về thời hạn gửi tài liệu, cũng cần tiếp tục rà soát để bổ sung các quy định cụ thể, cần thiết khác. Trường hợp cần thiết, nội dung này có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn tổ chức kỳ họp bất thường.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định kỳ họp Quốc hội là một trong những phương thức quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội theo hướng ngày càng dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả đặt ra nhiệm vụ cần rà soát các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, nhất là tại kỳ họp Quốc hội. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động

Theo báo cáo, Nội quy năm 2015 được ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 của Quốc hội ngày 24/11/2015 trong bối cảnh vị trí, vai trò của Quốc hội ngày càng được củng cố, tổ chức và hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới.

Nội quy đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo đúng quy trình, thủ tục.

Việc thực hiện Nội quy đã góp phần thúc đẩy hoạt động của Quốc hội nói chung ngày càng chuyên nghiệp, bài bản và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội.

Sau hơn 6 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung. Do đó cần thiết sửa đổi, bổ sung Nội quy nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; bám sát quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp. (Ảnh: Duy Linh)

Để xem xét việc sửa đổi Nội quy kỳ họp, trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội để đánh giá, tổng kết những cải tiến, đổi mới đã thực hiện qua các kỳ họp trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và đầu nhiệm kỳ khóa XV nhưng chưa được quy định trong Nội quy.

Những nội dung cụ thể được đề cập liên quan vấn đề tranh luận, giảm thời gian thảo luận, giảm thời gian chất vấn, họp trực tuyến, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hình thức điện tử…; đồng thời nghiên cứu và tiếp tục đề xuất các nội dung đổi mới, cải tiến cách thức tiến hành kỳ họp Quốc hội qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nội quy năm 2015.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh Duy Linh).

Tham gia thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề việc sửa đổi Nội quy kỳ họp lần này phải bảo đảm mở rộng dân chủ; tăng tính pháp quyền, kỷ luật, kỷ cương, tăng trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, tiếp tục phát huy những cải tiến, đổi mới đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như việc Bộ trưởng hay trưởng ngành cơ quan ngồi để lắng nghe, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể, qua đó nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật.

Đề cập công tác nghiên cứu các quy định để thể hiện được tính chuyên nghiệp, hiện đại, chủ động và thích ứng, công khai và minh bạch để đáp ứng được yêu cầu đổi mới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khắc phục được chuyện họp dài quá.  

Theo Chủ tịch Quốc hội, mục tiêu làm thế nào rút ngắn thời gian kỳ họp nhưng phải bảo đảm nâng cao chất lượng kỳ họp và hoạt động của Quốc hội nói chung, vì thế cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm chắc chắn, thuyết phục, đi vào những vấn đề căn cơ, bảo đảm hồ sơ dự án đủ điều kiện trình ra Quốc hội thảo luận đạt được đồng thuận và thống nhất cao.

Kết luận nội dung thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xác định rõ yêu cầu của sản phẩm, đề án, cách thức, hiệu quả việc xin ý kiến, việc tổ chức tọa đàm, hội thảo...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng qua các ý kiến thảo luận, cần tiếp tục nghiên cứu cho chắc chắn để nghị quyết đáp ứng yêu cầu, nếu đủ điều kiện mới trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, trên cơ sở nội quy Quốc hội khóa XIV cần tiếp tục phát huy những vấn đề gì đã tốt trong nội quy và chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung đã chín, đã rõ và qua thực tiễn đã chứng minh.

Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể và tăng cường vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể Quốc hội là không quá 7 phút và quy định một số tiêu chí để làm rõ trong trường hợp cần thiết, chủ tọa phiên họp có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top