Tháng Năm nhớ Bác

11:03 - Thứ Bảy, 14/05/2022 Lượt xem: 5297 In bài viết

ĐBP - Tháng Năm về luôn gợi cho mỗi người con đất Việt nhớ về Bác Hồ -  vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Với những người đã gặp Bác trong đời, thì nỗi nhớ ấy càng cháy bỏng, khôn nguôi.

Như một kỷ niệm đẹp, tháng Năm về, ông Lò Xuân Ánh nâng niu tấm chân dung Bác - vị cha già kính yêu với những lời căn dặn ân cần theo ông suốt đời.

1. Một ngày trung tuần tháng Năm, chúng tôi đến thăm ông Lò Xuân Ánh ở bản Mường Pồn, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên khi ông vừa đi kiểm tra khu vườn và ao cá của gia đình. Ông là người may mắn và còn rất ít trong số những người từng được gặp Bác hiện vẫn còn khỏe mạnh đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đã 65 năm trôi qua, những ký ức về lần đầu được gặp Bác Hồ của ông dường như vẫn vẹn nguyên. Ông kể rằng, nhờ được gặp Bác, nghe những lời động viên của Người mà ông thêm quyết tâm vượt qua được khó khăn, tích cực học tập để trở thành thầy giáo, mang con chữ lên “ngàn”.

Nhắc đến vị cha già của dân tộc, ông Lò Xuân Ánh bồi hồi nhớ lại: Đầu năm 1957, ông được cử đi học tại Trường Sư phạm Miền núi Trung ương (Hà Nội). Để về được Hà Nội học, ông phải đi bộ xuống tỉnh Sơn La, rồi đón xe đi từng chặng 5, 6 ngày mới tới. Lần đầu xa nhà lại không thạo tiếng phổ thông, khiến chàng trai 17 tuổi Lò Xuân Ánh gặp vô vàn khó khăn, ý định bỏ học có khi ngự trị trong tâm trí khiến ông không thể tập trung học…

Ông Lò Xuân Ánh kể: Giữa tháng 5/1957, Bác Hồ về thăm trường, Bác ân cần đến hỏi han từng người. Đến lượt ông, Bác cũng ân cần hỏi “Cháu tên gì, nhà ở đâu, có nhớ nhà không, cháu ăn cơm ở trường có no không?”. Ông Ánh thưa với Bác, mình là người dân tộc Thái, nhà ở tỉnh Lai Châu, rất nhớ bố mẹ. Nghe ông Ánh nói, Bác mỉm cười trìu mến, xoa đầu ông Bác khen ông thật thà, đó là một đức tính tốt. Bác ân cần dặn dò ông phải cố gắng học tốt, sau này làm thầy giáo, dạy học cho nhiều người, truyền đạt làm sao để nhiều người Lai Châu đều được đi học, biết chữ. Cháu học cho thật tốt thì mới xây dựng bản làng của cháu được; có như thế cháu mới không nhớ bố mẹ, nhớ bản mường, sau này mới có cuộc sống ấm no... Sau đó, Bác cho người mang kẹo đến rồi phát cho ông và lần lượt từng học sinh trong hội trường. “Cuộc đời tôi chưa bao giờ ăn cái kẹo nào mà ngon, ý nghĩa đến thế” - ông Lò Xuân Ánh rưng rưng xúc động.

Ông Ánh kể tiếp: Phát kẹo xong, Bác dắt tay ông cùng mọi người ra sân trường chụp ảnh lưu niệm. Giờ đây, tấm ảnh đó luôn được ông treo ở vị trí trang trọng nhất trong nhà.

Nghe lời Bác Hồ căn dặn, ông Ánh như được tiếp thêm nghị lực vượt qua khó khăn, quyết học bằng được con chữ để về quê dạy học. Tốt nghiệp trường Sư phạm ông trở thành thầy giáo dạy môn Lịch sử. Khắc ghi lời dạy của Bác, trong suốt những năm tháng đứng trên bục giảng, ông Lò Xuân Ánh luôn là người thầy gương mẫu, hết mực thương yêu học sinh. Dù cuộc sống khó khăn đến mấy cũng khắc phục, vận động học sinh đi học. Giờ đây, dù tuổi 80, nhưng trông ông vẫn còn tráng kiện, tinh anh, ông vẫn luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ để căn dặn con cháu phải học tập thật tốt mới xây dựng được quê hương, mới có cuộc sống no ấm đủ đầy.

2. Cũng là người may mắn được gặp Bác trong những năm tháng đất nước còn nhiều khó khăn, bà Chu Chà Me là người dân tộc Hà Nhì đầu tiên vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ. Hiện tại bà sinh sống cùng con cháu tại phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.

Bà Chu Chà Me chia sẻ về kỷ niệm lần được gặp Bác.

Trong trang phục truyền thống, bà Chu Chà Me như “trẻ lại” khi nhớ về những kỷ niệm được gặp Bác. Bà bảo, con đường học hành của bà gian nan lắm, bởi ngày đó, phụ nữ rất ít có cơ hội được đến trường. Bà kể: Hôm đó là ngày 6/5/1959, khi bà cùng các bạn đang treo băng rôn, khẩu hiệu, cùng toàn khu Tây Bắc nô nức mừng kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thầy hiệu trưởng tới thông báo tên 10 học sinh được đi gặp Bác Hồ, bà là một trong những người có được vinh dự đó. “Bác Hồ giản dị lắm cháu ạ! Bác ân cần hỏi thăm từng người, đến lượt bà, Bác hỏi rất kỹ; khi biết bà là người dân tộc Hà Nhì ở Mường Tè - Châu xa nhất của Khu, Bác cảm kích và khen bà chịu khó đi học. Khi bà nói cho Bác biết bà 17 tuổi, đang học lớp 1, bà thấy vẻ mặt Bác hơi buồn, bà nghĩ chắc Bác buồn vì bà đã 17 tuổi mà mới chỉ học lớp 1. Nhưng rồi Bác bảo: Cháu 17 tuổi mới học lớp 1 vì trước kia chế độ thực dân phong kiến đã kìm hãm các dân tộc không được đi học. Sau đó Bác căn dặn bà tuổi còn trẻ, tương lai còn ở phía trước, cố gắng học tập cho tốt, về nhà vận động thanh niên, người thân, người dân tộc Hà Nhì đi học, học nhiều mới có hiểu biết, có hiểu biết mới làm được cách mạng, làm chủ quê hương mình. Có như vậy miền núi mới tiến kịp miền xuôi. Nghe lời dặn ân cần của Bác, bà rất xúc động, tự hứa với bản thân học xong sẽ trở về quê hương động viên các em các cháu mình đi học.

Hoàn thành chương trình học, bà Chu Chà Me trở về quê hương công tác tại Huyện đoàn Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ). Hàng ngày bà kể cho các đoàn viên, thanh niên, người dân việc Bác Hồ dặn dò người bản mình phải cho con em đi học, lấy cái chữ về xây dựng quê hương. Từ đó, nghe theo lời Bác ai cũng động viên con cháu mình đi học. Nhờ những hoạt động sôi nổi trong công tác đoàn mà một lần nữa bà vinh dự được gặp Bác tại Thủ đô Hà Nội vào năm 1960, bà là 1 trong 75 phụ nữ tiêu biểu của Tây Bắc về Thủ đô Hà Nội dự Lễ Quốc khánh 2/9. Trong hàng trăm phụ nữ các dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Bác Hồ vẫn nhận ra bà là Chu Chà Me, người phụ nữ Hà Nhì đầu tiên dám rời ngã ba biên giới - đi bộ hàng trăm cây số để tìm con chữ. Bác tiến lại gần và hỏi: “Cháu Chà Me à! Cháu đã học lớp mấy rồi? Cháu về quê thấy thanh, thiếu niên dân tộc Hà Nhì đã đi học nhiều chưa?”. Bà Me báo cáo với Bác về tình hình học tập của thanh niên địa phương mình, rồi thưa với Bác là bà đã học hết lớp 2, được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (tức Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay). Bác khen bà tiến bộ, nhưng vẫn cần nâng cao trình độ văn hóa thì mới đóng góp cho dân tộc mình, cho xã hội; Bác còn dặn chị em người dân tộc thiểu số phải tự cố gắng phấn đấu vươn lên, cố gắng học để nâng cao trình độ văn hóa tích cực xây dựng bản mường… “Những lời quan tâm, căn dặn của Bác Hồ không chỉ dành riêng cho người dân tộc Hà Nhì, mà tình cảm, lời dặn dò ấy còn gửi gắm đến toàn thể người dân Tây Bắc - Điện Biên” - bà Chu Chà Me nói.

Tháng Năm lại về, sinh nhật Bác tới. Hơn lúc nào hết chúng ta càng thương nhớ Bác, kính yêu Bác - người cha già dân tộc. Nói rồi bà Chu Chà Me phấn khích đọc câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Người là cha, là Bác, là Anh/Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ”. “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/Xin nguyện cùng người vươn tới mãi/Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn”.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top