Trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ nhất, trước và sau kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV

10:22 - Chủ Nhật, 15/05/2022 Lượt xem: 3763 In bài viết

(Tiếp theo kỳ trước)

2. Bộ Nội vụ; Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kiến nghị: Việc thực hiện yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng đội ngũ công chức, viên chức số lượng quá lớn như hiện nay rất cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế đối với ngành Giáo dục và đào tạo thì chưa phù hợp, do số học sinh ngày càng tăng (số biên chế định biên giáo viên đứng lớp/số học sinh chưa được bố trí đủ) nhưng tỷ lệ tinh giản giáo viên ở các cấp học lại căn cứ vào số giáo viên thực tế hiện có, do đó ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu phát triển giáo dục. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục (đủ số định biên giáo viên đứng lớp, nhất là biên chế giáo viên mầm non đối với các tỉnh, địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, tư thục.

* Bộ Nội vụ trả lời: (Văn bản số 6155/BNV-TCCB ngày 3/12/2021 của Bộ Nội vụ).

- Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 19-NQ/TW), đồng thời bảo đảm nguyên tắc “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp” theo Kết luận của Bộ Chính trị tại Văn bản số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương về việc bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: (1) Sửa đổi định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp, bảo đảm phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền; (2) Hướng dẫn các địa phương thực hiện việc sắp xếp lại các trường liên cấp, liên xã, thu gọn các điểm trường đưa học sinh về học tại các trường trung tâm để bảo đảm sĩ số học sinh/lớp; (3) Đề xuất giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa đối với mầm non, các bậc học phổ thông để giảm quỹ lương từ ngân sách nhà nước, gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện đúng yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

- Đối với các địa phương: (1) Tổ chức lại các cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương, chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao; (2) Thực hiện các giải pháp để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Văn bản số 3397/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 11/8/2021.

Trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, sửa đổi định mức học sinh/lớp, giáo viên/lớp và các địa phương đang thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các trường, các điểm trường và chưa sử dụng hết số biên chế giáo viên được giao, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3/9/2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát số liệu trường, lớp, học sinh, nhu cầu bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục trong năm học 2021-2022 của các địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế về việc bổ sung biên chế giáo viên năm học 2021-2022 (tại Văn bản số 5868/BNV-TCBC ngày 22/11/2021). Sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế và Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến sẽ làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời: (Văn bản số 5948/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/12/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Việc thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cần được các địa phương thực hiện nghiêm túc trên nguyên tắc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2025 (trong đó có tỉnh Điện Biên). Tuy nhiên, để đồng bộ các giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên có ý kiến với Ủy ban Nhân dân tỉnh tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông)phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; xây dựng nhà công vụ giáo viên để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường, giúp giáo viên yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đặc biệt, ưu tiên biên chế giáo viên đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập, tư thục.

T.K (còn nữa)
Bình luận

Tin khác

Back To Top