Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả

10:31 - Chủ Nhật, 15/05/2022 Lượt xem: 4520 In bài viết

Chiều 14/5, theo giờ địa phương, tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard, thành phố Cambridge, bang Massachusetts.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, phát biểu và dự tọa đàm chính sách tại Đại học Harvard. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Phát biểu tại sự kiện này, Giáo sư Thomas J. Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Trường Harvard Kennedy, cho biết trong số 12 thành viên đoàn đại biểu Việt Nam tham gia chuyến công tác lần này, có tới 6 Bộ trưởng từng theo học tại Harvard.  

Trường Đại học Harvard đã thực hiện đối thoại chính sách với phía Việt Nam trong 3 thập kỷ vừa qua, chú trọng vào việc góp phần giải quyết những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt trong từng giai đoạn. Nhấn mạnh những thách thức mới mà Việt Nam phải đối mặt trong giai đoạn phát triển mới, Giáo sư cho biết các cử tọa rất muốn lắng nghe các quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Hiệu trưởng Trường chính sách công Kennedy, Đại học Harvard, ông Douglas Elmendorf cũng bày tỏ mong muốn lắng nghe các phát biểu của Thủ tướng về triết lý, tầm nhìn và chiến lược phát triển của Việt Nam. Đồng thời ông cũng nhắc lại những kinh nghiệm rất thành công của Thủ tướng trong điều hành tỉnh Quảng Ninh trước khi trở thành lãnh đạo ở Trung ương.

Trong bài phát biểu quan trọng tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích về chủ đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng đánh giá cao Đại học Harvard với bề dày lịch sử, truyền thống lâu đời, có tầm ảnh hưởng và danh tiếng vào loại bậc nhất Hoa Kỳ và thế giới. Trong khi đó, bang Massachusetts là một trong những điểm đến trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã nhắc lại tư tưởng rất quan trọng trong Bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Việc tôi có mặt ở đây cũng thể hiện tư tưởng độc lập, tự chủ cho hai dân tộc; thể hiện tầm nhìn, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã được tuyên bố năm 2015 khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng nhắc lại, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện với Hoa Kỳ trong những bức thư gửi tới chính quyền Hoa Kỳ năm 1946. Đặc biệt, trong bức thư ngày 16/2/1946 gửi Tổng thống Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. “Tôi đến đây với tình cảm kép, tình cảm của Đại học Harvard dành cho đoàn và tình cảm của mối lương duyên, sự kết nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Quan hệ hai nước trải qua những thăng trầm và đột phá, từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Mối quan hệ toàn diện này vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng nói.

Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh tôn trọng “thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau". Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập và thịnh vượng. 

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thế giới hiện nay. Trong đó, Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán là kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với bên ngoài. Đường lối đổi mới dựa trên 3 trụ cột, gồm xóa quan liêu bao cấp, đa sở hữu và hội nhập. Việt Nam luôn nỗ lực tạo môi trường và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và tuân thủ pháp luật. Việt Nam mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề khu vực, quốc tế và những thách thức toàn cầu vì sự thịnh vượng chung.

Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) 

Nhờ đường lối đổi mới, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN; 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng đầu thế giới; có mạng lưới 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTAs) đã có hiệu lực; an sinh xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,2% năm 2021.

Thủ tướng tập trung làm rõ 3 vấn đề: Thứ nhất, vì sao phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng? Thứ hai, một số quan điểm, mục tiêu, tư tưởng chủ yếu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam. Thứ ba, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Thủ tướng phân tích, thực tiễn cho thấy, để thành công, mỗi nước đều cần cách làm, lộ trình, bước đi phù hợp gắn với đặc điểm, điều kiện cụ thể; nhưng cần đặc biệt lưu ý một số yêu cầu mang tính phổ quát. Theo đó, độc lập, tự chủ về kinh tế gắn liền với độc lập, tự chủ về chính trị, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Việc tôn trọng sự khác biệt về điều kiện, đặc điểm chính trị, kinh tế, lịch sử, văn hóa, xã hội sẽ góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú của kinh tế toàn cầu và lợi thế quốc gia. Cùng với đó, phải tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng các quốc gia dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Phân tích thêm về sự cần thiết phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đây là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới đã dành cả đời mình phấn đấu cho nền độc lập dân tộc của Việt Nam với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” gắn liền với “mở cửa và hợp tác” quốc tế. Trong thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman (18/1/1946), Người cũng khẳng định: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng góp công sức vào việc xây dựng hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”.

Thủ tướng khẳng định, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam từ khi giành được độc lập dân tộc năm 1945, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, nhất là từ đầu những năm 1990 khi Chiến tranh lạnh kết thúc và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam vừa hội nhập sâu rộng, vừa nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực nội tại, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các cú sốc từ bên ngoài như: khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, đại dịch Covid-19 từ 2020 đến nay. 

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng xuất phát từ 3 lý do chủ yếu.

Một là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng chính là để góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam. 

Hai là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia. Đây là tất yếu khách quan của việc mở cửa, hội nhập quốc tế.

Ba là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ giúp nâng cao thực lực, tiềm lực cho hội nhập sâu rộng, hiệu quả trong hệ thống kinh tế toàn cầu và thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, quan điểm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng đã được xác định rõ, là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong Cương lĩnh xây dựng đất nước, Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp. 

Về những tư tưởng chủ đạo, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, dựa trên 3 trụ cột: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Phát huy tối đa trí tuệ, tài năng và năng lực, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. 

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trên cơ sở các yếu tố nền tảng, trụ cột chính là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa. Phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức con người Việt Nam. Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; trong đó nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển hóa ngoại lực thành nội lực. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội dưới hình thức hợp tác công tư, nhất là cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.

Tập trung thực hiện và tạo chuyển biến rõ nét trong 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó chú trọng tạo đột phá về thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng đánh giá cao kết quả hoạt động của Đại học Fulbright và Chương trình Lãnh đạo quản lý cấp cao (VELP) do Đại học Harvard và các cơ quan Chính phủ Việt Nam phối hợp triển khai. Thủ tướng bày tỏ, Việt Nam mong muốn nhân rộng mô hình này với các trường đại học nổi tiếng khác của Hoa Kỳ và thế giới, với cách làm mới hơn, hiệu quả hơn. 

Sau phần thuyết trình của Thủ tướng, các vị Bộ trưởng, thành viên đoàn công tác đã phát biểu, tham gia chương trình tọa đàm với các giáo sư Đại học Harvard về định hướng phát triển của Việt Nam.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top