Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022):

Ðáp ứng niềm mong mỏi của Người

08:25 - Thứ Tư, 18/05/2022 Lượt xem: 4293 In bài viết

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì nước, vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành cho Thủ đô Hà Nội tình cảm đặc biệt. Mong muốn của Người về một Thủ đô “yên ổn, tươi vui và phồn thịnh” đã, đang thành hiện thực và ngày càng được khẳng định, đắp bồi.

Nghị quyết số 15/NQ - TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” mà Bộ Chính trị ban hành ngày 5-5-2022 vừa qua như tăng thêm động lực để xây dựng, phát triển Hà Nội trở thành một Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thực sự là trái tim của nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc, đúng như niềm mong mỏi lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự kỳ vọng của cả dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem đề án quy hoạch xây dựng Thủ đô tháng 11-1959. Ảnh: Tư liệu

1. Tính từ cuối tháng 8-1945 đến khi Người đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 17 năm sống và làm việc ở Thủ đô. Hà Nội là nơi lưu dấu những quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ đối với đất nước, cũng là nơi in đậm hình ảnh của Bác Hồ với bao niềm tự hào, xúc động, yêu thương.

Hà Nội với Bác và Bác với Hà Nội đã gắn kết với nhau thành một mối quan hệ đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể về thời điểm lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Vì Bác nói tiếng Nghệ nên khi đang đọc, Bác dừng lại hỏi: “Đồng bào có nghe rõ không?” thì cả nước mình đồng thanh: “Nghe rõ”. Người ta cảm tưởng lãnh tụ với đồng bào gần gũi nhau quá!”. Từ giây phút đó, câu nói thân thương ấy đã làm xúc động trái tim hàng triệu đồng bào Thủ đô và cả nước, như nhà thơ Tố Hữu viết: “Ôi câu hỏi, hơn một lời kêu gọi/ Rất đơn sơ mà ấm bao lòng!...”. Kể từ thời khắc đó cho đến lúc Người đi xa, Bác đã chinh phục trái tim của nhân dân Thủ đô và dân tộc Việt Nam!

Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang là nơi Bác dự thảo bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ. Sự kiện ấy gắn với Hà Nội và nhân dân Hà Nội. Sau này nhớ lại, Bác nói đấy là “những giây phút sung sướng nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng” khi Người về sống và làm việc ở Hà Nội. Ngày 2-9-1945, khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình và ra mắt Chính phủ lâm thời cũng đã mang hàm ý chọn Hà Nội là Thủ đô, sau này được Quốc hội chính thức công nhận.

Một sự kiện đặc biệt khác thể hiện sự gắn bó giữa Bác với Thủ đô là kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên năm 1946, tại Hà Nội có đến 74 người ứng cử mà chỉ lấy có 6 người ưu tú nhất. Khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ứng cử ở Hà Nội, đông đảo người dân ở ngoại thành đã viết thư đề nghị Bác không phải ứng cử mà là đương nhiên. Bác đã trả lời, cảm ơn sự tín nhiệm của đồng bào, nhưng nói rằng mình cũng là công dân nên không thể có ngoại lệ. Điều này cho thấy tình yêu và niềm tin của nhân dân Hà Nội dành cho Bác lớn đến nhường nào!

Mùa thu lịch sử năm 1954, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, Hà Nội lại được đón Bác và Chính phủ trở về. Người đã dành mối quan tâm đặc biệt cho nhân dân Thủ đô. Mặc dù công việc của một Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước rất bận, nhưng Bác vẫn thường xuyên gửi thư tới các phụ lão, phụ nữ, công nhân, trí thức và đặc biệt là với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Hà Nội. Từ Tết Ất Mùi (1955) trở đi, gần như năm nào Bác cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Tết Kỷ Dậu 1969 - Tết cuối cùng trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng cây đa tại xã Vật Lại (huyện Ba Vì), mở đầu “Tết trồng cây” lần thứ 10 do chính Người khởi xướng “để cho đất nước càng ngày càng xuân”.

2. “Thủ đô ta” là 3 chữ được Bác Hồ nhiều lần nhắc khi nói về Hà Nội. Điều đó chứa đựng biết bao ân tình của Người đối với Hà Nội, và chỉ riêng Hà Nội mới có được vinh dự ấy. Ba chữ “Thủ đô ta” cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong gương mẫu của Thủ đô. Với Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược mà còn cả những công việc hết sức cụ thể, thiết thực hằng ngày... Người luôn chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện. Ngay cả trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thành phố bị tàn phá khủng khiếp, Bác vẫn mong muốn Hà Nội sau chiến tranh là một Thủ đô “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Trong nhiều thập niên qua, Hà Nội đã đáp lại ân tình của Bác và từng bước đáp ứng mong ước của Người. Với truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, sáng tạo, với vị trí, vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ - TƯ của Bộ Chính trị khóa XI về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020” và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Đó là kinh tế duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần so với năm 2010. Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng lên một bước, kết quả xây dựng nông thôn mới là dấu ấn nổi bật. Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững đạt nhiều kết quả tích cực; chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô không ngừng được nâng lên; diện mạo của Thủ đô có nhiều đổi thay, văn minh, hiện đại hơn. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao ở cả trong nước và quốc tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tát nước chống hạn với bà con nông dân xã Đại Thanh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) ngày 12-1-1958. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thành tựu đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần được khắc phục như vai trò trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển, năng lực cạnh tranh với khu vực và thế giới; phát triển văn hóa xã hội, xây dựng con người Hà Nội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quản lý nhà nước còn hạn chế...

Nghị quyết số 15/NQ - TƯ về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ra đời, tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng lớn lao của Đảng cũng như nguyện vọng của nhân dân để xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có sức cạnh tranh cao so với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước trong khu vực.

3. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15/NQ - TƯ chính là kim chỉ nam, là động lực mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô khắc phục những tồn tại, hạn chế lâu nay, khơi dậy tiềm năng để Thủ đô phát triển trong tương lai. Hà Nội đang đứng trước thời cơ, vận hội mới cùng những thách thức mới. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thủ đô với những quyết sách đúng đắn, khát vọng phát triển, đổi mới, sáng tạo không ngừng nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới, đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng cũng như nhân dân cả nước; thực hiện thành công mong muốn lúc sinh thời của Bác Hồ kính yêu: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông chờ vào Thủ đô ta”. Đồng thời, Người luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành sứ mệnh là vị trí “đầu tàu”, vai trò “gương mẫu” đối với cả nước.

Nghị quyết số 15/NQ - TƯ ra đời đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 132 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện mong ước và đáp ứng tình cảm đặc biệt của Bác Hồ dành cho Thủ đô; là sự kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân tộc với Thủ đô, để Hà Nội thực sự xứng đáng là Thủ đô của nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc trong thời đại vẻ vang nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước: Thời đại Hồ Chí Minh!

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top