Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị

13:54 - Thứ Tư, 18/05/2022 Lượt xem: 4774 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (18/5), Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến từ Trung ương đến điểm cầu của tỉnh và 10 huyện, thị xã, thành phố.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương báo cáo những nội dung chủ yếu Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị. Theo đó, Nghị quyết có mục tiêu tổng quát đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến thức đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Nghị quyết cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 - 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030.

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết nêu rõ 6 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết thích ứng với biến đổi khí hậu…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị: Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị; đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị, bảo đảm quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Cần tập trung vào nhiệm vụ quan trọng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị, tăng trưởng nhanh và hiệu quả. Để việc quản lý đô thị được thực hiện tốt, hiệu quả hơn cần thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị gắn với đề cao trách nhiệm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thống nhất của Trung ương, phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị; đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết...

Tin, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top