Chiến thắng Cánh đồng Chum- Xiêng Khoảng năm 1972- biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào

15:34 - Thứ Sáu, 20/05/2022 Lượt xem: 4427 In bài viết

Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng năm 1972 là chiến dịch phòng ngự hoàn chỉnh đầu tiên của liên quân Việt Nam-Lào, đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của địch, diễn ra trên đất Bạn, với không gian rộng, thời gian dài, đạt hiệu suất chiến đấu cao, tạo cục diện mới cho cuộc chiến tranh, đồng thời phát triển sáng tạo, làm phong phú nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng là biểu tượng về sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Ðảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam-Lào, được biểu hiện cụ thể ở những nội dung cơ bản sau:

Quang cảnh buổi họp báo giới thiệu hội thảo khoa học về Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. (Ảnh TTXVN) 

Một là, chiến thắng Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao về chủ trương chỉ đạo tác chiến của Quân ủy Trung ương ta và bạn Lào. Mặc dù bị thất bại liên tiếp trên chiến trường Ðông Dương trong những năm 1970, 1971, nhưng Mỹ vẫn thúc ép tay sai đẩy mạnh hoạt động quân sự. Trên chiến trường Lào, Mỹ sử dụng quân Phái hữu Lào và quân Thái Lan... đánh rộng ra vòng ngoài, hòng chia cắt vùng giải phóng của Bạn, phá hành lang vận chuyển và uy hiếp hậu phương chiến lược của ta. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương của ta và Bạn, quân và dân hai nước nêu cao tinh thần đoàn kết, phối hợp mở Chiến dịch Nậm Bạc (1967), Chiến dịch Ðường 9-Nam Lào (1971)... giành thắng lợi to lớn.

Bước sang năm 1972, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương ta và Bạn đã thống nhất chủ trương: Mở những chiến dịch quy mô tương đối lớn, có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường Lào. Thực hiện chủ trương đó, ta và Bạn đã phối hợp mở nhiều chiến dịch, trong đó có Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng. 

Với quyết tâm bảo vệ bằng được địa bàn chiến lược Cánh đồng Chum, củng cố vững chắc vùng căn cứ giải phóng của Bạn; phục vụ cho yêu cầu đấu tranh chính trị, nên khi Chiến dịch tiến công Cánh đồng Chum-Mường Sủi chưa kết thúc, tháng 2/1972, Quân ủy Trung ương ta và Bạn đã thống nhất ra chủ trương chỉ đạo Bộ Tư lệnh Chiến dịch: Sau chiến dịch tiến công, lực lượng ta sẽ chuyển sang chiến dịch phòng ngự. Thực hiện chủ trương đó, ngay trong quá trình kết thúc chiến dịch tiến công, ta và Bạn đã chủ động tổ chức lại thế trận từ tiến công sang phòng ngự. Ðây là sự chỉ đạo sắc bén, đúng đắn, kịp thời, biểu hiện của tình đoàn kết chiến đấu keo sơn, sự thống nhất cao ở cấp chiến lược giữa ta và Bạn.

Hai là, Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng đã huy động lực lượng lớn của hai nước tham gia, phối hợp chiến đấu hiệu quả và giành thắng lợi lớn. Trong Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng, ta huy động 5 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn pháo binh, 4 tiểu đoàn súng máy phòng không, 1 tiểu đoàn xe tăng và 2 tiểu đoàn công binh tham gia chiến dịch; Bạn huy động 7 tiểu đoàn chủ lực, 1 đại đội xe tăng, 2 đại đội pháo binh, 2 đại đội súng máy phòng không, 1 đại đội công binh và 4 đại đội bộ đội địa phương. Như vậy, ta và Bạn đã huy động một lực lượng khá lớn, tương đương 1 quân đoàn thiếu, nhằm đánh bại cuộc tiến công lấn chiếm của địch trong mùa mưa năm 1972.

Việc phối hợp, hiệp đồng chiến đấu trong chiến dịch cũng là điểm sáng của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa hai quân đội, hai dân tộc. Trong phối hợp, hiệp đồng chiến đấu, ta luôn tôn trọng chủ quyền, độc lập tự chủ của Bạn, giữ vững mối quan hệ bình đẳng dân tộc; đồng thời, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng để Bạn có thể độc lập tác chiến: Ta phụ trách khu trung tâm Cánh đồng Chum, khu trung gian và khu Noọng Pẹt; Bạn phụ trách 2 khu vực phối hợp là khu Xiêng Khoảng và Mường Sủi. Nhờ có sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa ta và Bạn đã tạo sức mạnh tổng hợp, đánh bại các hướng tiến công của địch, nhất là trong các trận phản đột kích và trận then chốt của chiến dịch, giành thắng lợi quyết định.

Ba là, chiến thắng Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật quân sự của quân đội hai nước Việt Nam, Lào. Trong Chiến dịch phòng ngự Cánh Ðồng Chum-Xiêng Khoảng, lần đầu tiên ta và Bạn tiến hành một chiến dịch phòng ngự khá hoàn chỉnh và giành thắng lợi về nhiều mặt, góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật chiến dịch-Hình thức phòng ngự khu vực ở quy mô chiến dịch. Qua đó, thực tiễn Chiến dịch, ta và Bạn đã trưởng thành một bước quan trọng cả về thực tiễn và lý luận chiến dịch phòng ngự, về chiến thuật và kỹ thuật tác chiến phòng ngự. Ta và Bạn thống nhất xác định quyết tâm tổ chức chiến dịch phòng ngự một cách chủ động, có dự kiến, có ý đồ tác chiến dứt khoát, có triển khai công tác chuẩn bị mọi mặt, nhất là xây dựng hệ thống công sự trận địa hoàn chỉnh; tổ chức phòng ngự khu vực, lấy điểm tựa và cụm điểm tựa làm nòng cốt, có lực lượng phòng ngự trận địa, có lực lượng cơ động mạnh để thực hiện các trận phản kích và phản đột kích.

Nghệ thuật sử dụng và vận dụng cách đánh chiến thuật, chiến dịch trong phòng ngự cũng có sự phát triển mới, kết hợp phòng ngự trận địa với phản kích liên tục, tiến công liên tục để phòng ngự vững chắc hơn. Ta và Bạn đã chủ động thiết lập, hình thành các khu vực phòng ngự liên hoàn, có trận địa vững chắc, có chính diện và chiều sâu thích hợp. Nhờ đó, liên quân Việt Nam-Lào đã đánh bại mọi đợt tiến công của địch, giữ vững địa bàn.

Bốn là, chiến thắng Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng góp phần làm chuyển biến cục diện chiến trường, tạo thuận lợi cho cách mạng hai nước Việt Nam, Lào đi tới thắng lợi quyết định. Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng chẳng những đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn của Mỹ và tay sai, giữ vững địa bàn chiến lược quan trọng, mà còn bảo vệ trực tiếp vùng căn cứ địa cách mạng Sầm Nưa, tạo thế uy hiếp trực tiếp đối với căn cứ Loong Chẹng của lực lượng đặc biệt Vàng Pao do Mỹ xây dựng; tạo bàn đạp uy hiếp Thủ đô Viêng Chăn và cố đô Luông Phabăng. Ta và Bạn đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta và Bạn, bảo đảm thế liên hoàn, vững chắc cho vùng căn cứ địa của Bạn, đánh bại một bước "Học thuyết Ních-xơn" ở Lào; gây tổn thất nặng nề cho địch, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào phát triển. Ðối với chiến trường Ðông Dương, thắng lợi của chiến dịch góp phần trực tiếp bảo vệ sườn phải của hướng tiến công chủ yếu trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của ta; bảo vệ an toàn hành lang vận chuyển chiến lược. Thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng cùng với những thắng lợi khác năm 1972, nhất là chiến thắng "Hà Nội-Ðiện Biên Phủ trên không", đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (27/1/1973), tạo điều kiện để cách mạng Việt Nam tiến lên hoàn thành giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Với cách mạng Lào, thắng lợi của Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng đã tạo thế, tạo lực để Bạn đẩy mạnh kháng chiến, tiến tới ký kết Hiệp định Viêng Chăn lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào (21/2/1973), tạo điều kiện quan trọng để cách mạng Lào giành thắng lợi hoàn toàn, thành lập nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào vào ngày 2/12/1975.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá hòng chia rẽ tình đoàn kết, hữu nghị giữa nước ta với các nước láng giềng; trong đó, quan hệ hữu nghị giữa ta và bạn Lào là một trọng điểm của chúng. Vì thế, việc phát huy giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm về tình đoàn kết chiến đấu keo sơn giữa ta và bạn Lào nói chung, trong Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng nói riêng là vấn đề rất quan trọng. Theo đó, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục thắt chặt, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai Ðảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước trong điều kiện mới; trong đó, quan hệ, hợp tác giữa hai quân đội phải được thúc đẩy lên tầm cao mới, bảo đảm đi vào chiều sâu, thực chất. Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Quân đội lần thứ XI đã xác định. Trước hết, cần chú trọng nâng cao nhận thức, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững những vấn đề có tính nguyên tắc trong quá trình hợp tác với Bạn, nhất là quán triệt tinh thần quốc tế vô sản trong sáng "giúp bạn là mình tự giúp mình"; tôn trọng chủ quyền, độc lập, tự chủ của Bạn, giữ vững quan hệ bình đẳng dân tộc… Trên cơ sở đó, tăng cường hợp tác trên các mặt, các lĩnh vực theo đúng quan điểm, đường lối của Ðảng, bảo đảm ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Kỷ niệm 50 năm Chiến dịch phòng ngự Cánh đồng Chum-Xiêng Khoảng (1972-2022) là dịp để chúng ta ôn lại chiến thắng hào hùng, biểu tượng cao đẹp về truyền thống, tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt liên minh Việt Nam-Lào. Ðây là tài sản vô giá, niềm tự hào, động lực để Ðảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào thắt chặt tình đoàn kết thủy chung, trong sáng, tiếp tục phấn đấu giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ðại tướng, Tiến sĩ PHAN VĂN GIANG,
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top