Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã

05:39 - Thứ Hai, 23/05/2022 Lượt xem: 4550 In bài viết

ĐBP - Cán bộ, công chức cấp xã là những người gần người dân nhất, trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện, đưa đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Những năm qua, tỉnh ta đã chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) xử lý thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn.

Năm 2016, số cán bộ, công chức cấp xã chưa qua đào tạo toàn tỉnh chiếm 0,8%; đào tạo sơ cấp chiếm 1%; trung cấp đạt 66,4%; trình độ cao đẳng đạt 11,7%; đại học đạt 19,6%; không có người trình độ trên đại học. Đến hết năm 2021, tổng số công chức cấp xã toàn tỉnh là 1.279 người. Trong đó, trình độ chuyên môn trung cấp 25,6%; cao đẳng 9,5%; đại học 64,7% và trên đại học chiếm 0,2%. Bên cạnh đó, có 769/1.279 người đã qua đào tạo quản lý nhà nước; trình độ lý luận chính trị đạt 38%. Bên cạnh đó, trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ, công chức cấp xã cũng đã được nâng cao.

Ông Lê Đình Tuyên, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã trên địa bàn. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức xã đã cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kết quả đó được thể hiện qua việc, cán bộ, công chức cấp xã đã có năng lực và rèn luyện các kỹ năng cần thiết, xử lý linh hoạt đối với công việc được giao, có thái độ đúng đắn trong quá trình thực thi công vụ. Thể hiện rõ tính tích cực, tự giác, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính. Phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vận dụng thành thạo kiến thức chuyên môn được đào tạo vào việc triển khai các văn bản, quy định của Nhà nước trong xử lý công việc và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, hiện nay một số cán bộ, công chức cấp xã vẫn còn có những điểm hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần học hỏi chưa cao nên kết quả thi hành công vụ vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã luôn là một nhiệm vụ thường xuyên quan trọng của tỉnh.

Những năm qua, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành chuyên môn, UBND cấp huyện thiết chặt các yếu tố “đầu vào”. Việc tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức cấp xã phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí công tác, tiêu chuẩn và số lượng của chức danh thực tế cần tuyển dụng; căn cứ vào ngành nghề đang thiếu và đòi hỏi cao về chất lượng đầu vào. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quy định về tiêu chuẩn của từng chức danh cán bộ, công chức cấp xã; kiên quyết không bố trí những người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ vào các chức danh theo quy định. Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế về công tác tuyển dụng, đảm bảo các yếu tố về tiêu chuẩn, khách quan, minh bạch. Sở Nội vụ chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cho từng năm và cả nhiệm kỳ; tổ chức rà soát để có phương án đào tạo, bồi dưỡng đối với những người còn thiếu tiêu chuẩn quy định. Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Năm 2022, Sở Nội vụ dự kiến tiến hành 3 cuộc thanh tra về chất lượng cán bộ, công chức cấp xã tại 2 huyện: Mường Chà, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ. Ngoài ra, UBND các huyện đã chú trọng công tác điều động, luân chuyển cán bộ để bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã luôn được UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp tổ chức 341 lớp đào tạo về chuyên môn, lý luận chính trị, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm… Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật về kiến thức, kỹ năng chuyên ngành, kiến thức quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực do đơn vị phụ trách; cử cán bộ, công chức, viên chức (CCVC) tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn căn cứ vào nhu cầu thực tế của đơn vị và vị trí công tác của mỗi cán bộ, công chức; gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm chứ không chạy theo bằng cấp. Đặc biệt, đối với các xã vùng dân tộc thiểu số, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm cử cán bộ, công chức đủ điều kiện đi đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời có chính sách khuyến khích đối với cán bộ, công chức người dân tộc nêu cao tinh thần học hỏi và phát huy năng lực công tác.

Điện Biên là huyện luôn ưu tiên, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dường để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Năm 2021, huyện Điện Biên có 8.672/8.145 lượt cán bộ, công chức viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, đạt 106% kế hoạch. Qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giúp đội ngũ cán bộ ở cơ sở đổi mới tư duy, phát huy sáng tạo, áp dụng kiến thức về các lĩnh vực và cập nhật nhanh các văn bản mới của Nhà nước; nắm bắt kịp thời các thông tin, nâng cao hiệu quả giải quyết các công việc, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn.

Ông Đỗ Xuân Thọ, Trưởng ban Tổ chức và Nội vụ huyện Điện Biên cho biết: Ban thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ, CCVC từ cấp xã tới huyện, xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, gắn với việc bố trí, sử dụng cán bộ, CCVC sau đào tạo; hướng dẫn, định hướng các xã lựa chọn cán bộ, CCVC ở các ngành, lĩnh vực còn yếu để tập trung bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng các lớp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở sau đào tạo. Đồng thời chú trọng thực hiện hiệu quả các khâu: Tuyển dụng đầu vào; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ, CCVC đúng nguyên tắc, quy trình, dân chủ, công khai, đủ số lượng, tiêu chuẩn và cơ cấu.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top