Đề nghị Chính phủ sớm giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển của 3 chương trình mục tiêu quốc gia

15:53 - Thứ Tư, 25/05/2022 Lượt xem: 5330 In bài viết

ĐBP - Đó là một trong những kiến nghị mà đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gửi tới Chính phủ trong phiên thảo luận tổ sáng 25/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25/5.

Tham gia phát biểu ý kiến về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, đại biểu bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ. Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trước những khó khăn, thách thức trong nước và quốc tế, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tuy nhiên với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các địa phương, kết quả phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đại biểu đã thống nhất cao với các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2022.

Qua nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu đề nghị với Chính phủ 4 nội dung:

Một là, đề nghị Chính phủ sớm giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển của 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết số: 517/NQ-UBTVQH15 ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025, dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trước ngày 01 tháng 6 năm 2022; Chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phân bổ, giao kế hoạch vốn trước ngày 1 tháng 7 năm 2022; khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ 7.942,139 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại chưa phân bổ trước ngày 1 tháng 9 năm 2022.

Hai là, trong tổng số nguồn vốn đầu tư công trung hạn của các địa phương đến thời điểm này chưa được phân bổ, mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho các địa phương khi đã đủ điều kiện. Ví dụ, tỉnh Điện Biên có Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé.

Ba là, về tình trạng thiếu giáo viên của các tỉnh miền núi, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã có ý kiến. Riêng tỉnh Điện Biên thiếu hơn 1.500 giáo viên. Đến thời điểm hiện tại, theo thông tin đại biểu nắm bắt được, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ tiến hành khảo sát sau đó sẽ báo cáo và xin ý kiến của Bộ Chính trị, rất mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khảo sát tại các địa phương và có số liệu báo cáo cụ thể về nội dung này. Chủ tương tinh giản đầu mối, giảm biên chế, các địa phương ủng hộ cao, tuy nhiên so với các tỉnh đồng bằng, kinh tế - xã hội phát triển thì việc triển khai thực hiện tinh giản đầu mối cũng như tinh giản biên chế trong lĩnh vực giáo dục tại các tỉnh miền núi rất khó khăn, nhất là đối với cấp học mầm non và tiểu học do địa hình chia cắt, người dân sống phân tán, giao thông kém phát triển. Trong khi biên chế giáo viên chưa giao đủ theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc giao chỉ tiêu tinh giản biên chế hàng năm lại căn cứ vào số lượng giáo viên hiện có là chưa phù hợp. Những khó khăn, vướng mắc này đã được các địa phương kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được quan tâm, giải quyết kịp thời. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, tháo gỡ cho các địa phương địa bàn miền núi.

Bốn là, Thông tư 65/2021/TT-BTC thay thế Thông tư số 92/2017/TT-BTC về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ được sử dụng nguồn chi thường xuyên đối với nguồn vốn sự nghiệp kinh tế khác (trừ nguồn tăng thu sử dụng đất) để sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công, không được nâng cấp, cải tạo. Quy định này gây khó khăn cho các địa phương, nhất là địa bàn miền núi trong hoàn thiện kết cấu hạ tầng, mặc dù cân đối được kinh phí, có nhu cầu (ví dụ nâng cấp từ đường đất lên đường cấp phối) nhưng không thực hiện được. Một nội dung khác, theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5 của  Thông tư 65/2021/TT-BTC thì đối với công trình có dự toán dưới 500 triệu đồng thì không được chí phí định mức lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, trong khi Thông tư số 12/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định mức chi phí này ít nhất là 05 triệu đồng, đối với các công trình có tổng vốn lớn hơn thì được tính theo tỷ lệ quy định. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, điều chỉnh đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, trong khuôn khổ bài phát biểu, đại biểu cũng đã đánh giá về việc giao nguồn vốn sự nghiệp trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 giao chậm, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực của nhà nước.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top