Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng:

Quyết liệt hơn nữa trong giải quyết, tháo gỡ khó khăn về quy trình, thủ tục cho các địa phương

15:59 - Thứ Tư, 25/05/2022 Lượt xem: 4321 In bài viết

ĐBP - Tham gia phát biểu tại Tổ thảo luận số 4, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào sáng 25/5, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá cao kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25/5.

Trong đó, đại biểu nhấn mạnh kết quả của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; ban hành và triển khai chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19... Đại biểu tin tưởng, với rất nhiều giải pháp được Chính phủ nêu trong báo cáo, việc phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.

Tại buổi thảo luận, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt hơn nữa trong giải quyết, tháo gỡ nhanh những khó khăn về quy trình, thủ tục cho các địa phương. Ví dụ quy trình, thủ tục trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Riêng đối với tỉnh Điện Biên là Đề án 79 về sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé hay Đề án Tái định cư thuỷ điện Sơn La, nguồn đã có nhưng vướng mắc về quy trình, thủ tục không thể giải ngân được. Địa phương đã rất chủ động, nhưng đến nay đã hết nửa năm rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết, đang chờ hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn của Trung ương.

Về việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đại biểu thống nhất cao với ý kiến của một số đại biểu phát biểu trong phiên thảo luận về việc ban hành cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa. Đại biểu cho rằng, có những vấn đề gọi là cơ chế đặc thù nhưng thực chất không phải là đặc thù mà chính là đòi hỏi của thực tiễn mà chúng ta cần phải tháo gỡ, giải quyết, do quy định hiện hành không còn phù hợp, chậm được sửa đổi bổ sung. Ví dụ, quy định về tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư hay thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tỉnh Điện Biên hiện nay có trên 130 dự án phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, không biết sẽ phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ như thế nào vì quy trình, thủ tục rất phức tạp. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu, thảo luận, xem xét sửa đổi cho phù hợp.

Về về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017. Qua báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 cho thấy hiệu quả rất tốt, đã giúp xử lý được trên 380.000 tỷ đồng, đạt trên 70% tổng số nợ xấu Chính phủ báo cáo Quốc hội tại thời điểm ban hành nghị quyết. Hiện nay, ngành Ngân hàng lại tiếp tục đứng trước nguy cơ nợ xấu có thể gia tăng do tình hình dịch bệnh Covid-19. Theo báo cáo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu và nợ tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu là trên 6%, đây là con số rất lớn vì dư nợ hiện tại của ngân hàng lớn hơn rất nhiều, nếu tính theo số tuyệt đối thì 6% này phải bằng 10% so với thời điểm ban hành Nghị quyết 42, đây là cục máu đông rất lớn của nền kinh tế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong hoạt động ngân hàng, đồng thời lãng phí nguồn lực nếu không được xử lý. Bây giờ ta đã có sẵn nghị quyết rồi, việc kéo dài thời hạn thực hiện nghị quyết để giải quyết ngay nợ xấu và các khoản tiềm ẩn thành nợ xấu là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo đề xuất của Chính phủ cũng chỉ kéo dài đến 31/12/2023. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các nội dung còn vướng mắc hoặc chưa phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện để trình Quốc hội ban hành một nghị quyết mới để giải quyết căn cơ, lâu dài các khoản nợ của ngành Ngân hàng, không đợi đến lúc có khủng hoảng mới ban hành nghị quyết.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top