Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên:

Việc mua sắm công còn nhiều biểu hiện tham nhũng, lãng phí

16:35 - Thứ Tư, 25/05/2022 Lượt xem: 4478 In bài viết

ĐBP - Sáng 25/5, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 25/5.

Tham gia phát biểu ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đồng chí Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về các nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng, trong các loại hình lãng phí thì lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn luôn là vấn đề cần phải suy nghĩ vì nó bao trùm lên tất cả các giai đoạn đầu tư từ quy hoạch, kế hoạch đến bố trí vốn thực hiện dự án rồi bàn giao và đưa vào sử dụng. Qua theo dõi cho thấy, Chính phủ đã rất quan tâm, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn cho nhiều công trình, dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn, như: Nhiệt điện Thái Bình 2, Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đường cao tốc Bắc – Nam... Tuy nhiên, nhiều dự án thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương chưa đảm bảo tiến độ, đặc biệt là những dự án quan trọng quốc gia gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của các địa phương nói riêng, như: Dự đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đến bù giải phóng mặt bằng, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa với các bộ, ngành, địa phương có các dự án không đảm bảo tiến độ, chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA gây lãng phí nguồn lực tài chính công và giảm hiệu quả đầu tư công.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc đảm bảo chỉ tiêu về nợ công, tiết kiệm chi thường xuyên, hiệu lực, hiệu quả chi tiêu ngân sách đều có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế đó là việc phân bổ ngân sách nhà nước chưa kịp thời, nhất là đối với các chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chính phủ cần chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã gây ra sự chậm chễ này, nó không chỉ làm lãng phí nguồn lực tài chính công đã được bố trí mà còn không phát huy được nguồn lực của xã hội sẽ được huy động khi triển khai thực hiện các chương trình.

Việc mua sắm công còn nhiều biểu hiện tham nhũng, lãng phí mà điển hình là vụ án kít xét nghiệm Covid -19 của Công ty Việt Á. Qua vụ việc cho thấy, một bộ phận cán bộ còn thiếu trách nhiệm, chưa tuân thủ pháp luật, tiếp tay cho nhóm lợi ích tham nhũng ngân sách của Nhà nước. Cần phải có biện pháp nghiêm trị những hành vi đó để làm gương. 

Một ví dụ khác về lãng phí đó là việc thiết kế sách giáo khoa, nhiều loại sách chỉ thiết kế dùng một lần, như vậy, qua một năm học, hàng triệu cuốn sách giáo khoa phải bỏ đi, vừa lãng phí nguồn lực xã hội, vừa gây tổn hại tới môi trường. Trước đây, sách giáo khoa được truyền tay học sinh từ năm này qua năm khác, anh chị truyền lại cho em. Theo đại biểu, đây là một truyền thống rất tốt đẹp, đề nghị Chính Phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét nghiêm túc vấn đề này.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top