Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV: Cần giải pháp đột phá để phục hồi, phát triển kinh tế

08:05 - Thứ Năm, 26/05/2022 Lượt xem: 4401 In bài viết

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021..

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh Khoa Nguyên)

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ  nhấn mạnh, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân gói chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết của Chính phủ còn chậm; hiện nay chi ngân sách nói chung đang rất khó khăn do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp.

Tăng khả năng hấp thụ vốn

Theo số liệu báo cáo gần đây, giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2021 chỉ đạt hơn 70%, vốn ODA cũng chỉ giải ngân được 32,85%.

Gói kích thích kinh tế hiện chưa giải ngân được, gói chính sách về y tế chưa có danh mục đầu tư nào. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ảnh hưởng tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng, chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân; ảnh hưởng công tác giáo dục, đào tạo.

Chủ tịch Quốc hội cho biết đây cũng là những vấn đề mà Quốc hội và Chính phủ đang rất quan tâm trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trước những diễn biến phức tạp về địa chính trị, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi các vấn đề nội tại của nền kinh tế vẫn chậm được khắc phục. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội, là những người giám sát, sâu sát nhất tại địa phương, nắm chắc thực tiễn cần thảo luận, đưa ra những giải pháp mới, đột phá nhằm giải quyết các vấn đề cũ, đã kéo dài nhiều năm. 

Cho ý kiến vào các báo cáo về kinh tế-xã hội của Chính phủ, Bộ trưởng  Tài chính Hồ Ðức Phớc (Bình Ðịnh) cho rằng, trong hơn một năm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng đã đạt được nhiều thành tựu, “điều này thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ; tuy nhiên, chúng ta đang đối mặt lạm phát, giá tăng, lãi suất ngân hàng gây áp lực lên doanh nghiệp.  Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh: sức sống của doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phục hồi và phát triển kinh tế; muốn vậy, mọi cấp, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách vốn, tiếp cận đất đai… để thúc đẩy doanh nghiệp, tạo  tiện ích cho doanh nghiệp. Theo đại biểu, một trong những việc cần làm là tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc, “bởi vì đường đi đến đâu thì trăm nghề phát triển đến đó. Khi ấy sẽ giải quyết được bài toán phát triển ngành nghề, giải quyết vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư…”.

Thảo luận về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng,  đa số đại biểu đánh giá, kết quả xử lý nợ xấu đã mang lại những chuyển biến rất tích cực, góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu phù hợp, từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng, góp phần không nhỏ, tạo chuyển biến tích cực đối với công tác cơ cấu lại tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu năm 2016-2020.

Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ cho rằng, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ cần nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu. Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV chính là luật xử lý nợ xấu; do vậy, không nên đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. (Ảnh NGUYÊN KHOA) 

Xã hội hóa hoạt động điện ảnh

Chiều qua, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi), đồng thời thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ðiện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Ðắc Vinh cho biết, dự thảo luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của Luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, theo đại biểu Nguyễn Ðắc Vinh, dự thảo luật bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Ðầu tư; quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh…

Góp ý về Ðiều 19 dự thảo luật quy định về phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị bổ sung quy định rạp chiếu phim phải chịu trách nhiệm bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ cho nhà sản xuất phim, điều chỉnh quy định về miễn giảm giá vé xem phim theo hướng khuyến khích, không nên áp đặt bắt buộc. Ðại biểu cũng đề xuất có quy định khung giờ vàng dành nhiều thời gian hơn cho phim Việt Nam phổ biến trên truyền hình; có cơ chế khuyến khích phổ biến phim Việt Nam, đặc biệt là các dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước trên hệ thống truyền hình.

Ðại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu ý kiến, việc quy định phân loại phim khi phổ biến phim trên mạng chưa bảo đảm sự bình đẳng và đề nghị xem xét lại tính khả thi của việc phân loại phim theo độ tuổi trên truyền hình. Ðối với việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, cần cân nhắc kỹ để bảo đảm không làm tăng bộ máy, biên chế, bảo toàn vốn điều lệ, bảo đảm nguồn thu để chi trả cho các khoản chi, nguồn thu không trùng với các khoản thu phải nộp ngân sách nhà nước.

Chung quanh chính sách phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh được nhiều đại biểu quan tâm. Ðại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) và một số đại biểu đồng tình với chủ trương là cần có các cơ chế, chính sách, kể cả Nhà nước hỗ trợ để phát triển công nghiệp điện ảnh - ngành công nghiệp văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ðại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc lại quy định tại điểm i khoản 2 Ðiều 5 theo hướng bổ sung các chính sách để khuyến khích xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động điện ảnh.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top